Đổi thay ở Quan Sơn
Song song với việc phát triển kinh tế, giảm nghèo theo hướng bền vững, huyện Quan Sơn thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về dân tộc miền núi, giáo dục, y tế, văn hóa. Hỗ trợ lương thực cho 513 hộ người nghèo vùng giáp biên giới trên 1,4 tỷ đồng; mở 4 lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ xã, bản đặc biệt khó khăn; 7 lớp dạy nghề cho 193 lượt người tham gia, bố trí tạo việc làm cho 910 lao động. Đến nay, huyện có 92 khuyến nông viên làm việc tại các bản của 12/13 xã, thực hiện hỗ trợ, nâng cấp 3 trạm y tế xã. Các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, thị trấn thường xuyên mở các lớp đào tạo học viên, góp phần nâng cao năng lực, kiến thức khoa học kỹ thuật, hiểu biết pháp luật, nâng cao dân trí cho cán bộ và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi.
Mô hình chăn nuôi dê giảm nghèo của gia đình anh Hà Văn Khuyên, Bản Bác, xã Trung Thượng, Quan Sơn |
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội, y tế; trợ cấp khó khăn, hỗ trợ học sinh nghèo học tập, triển khai cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, dân tộc thiểu số. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT được phát triển rộng khắp, trong năm 2014, huyện có 86 đơn vị xã, bản, cơ quan văn hóa đạt mục tiêu đề ra…
Từ những giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn luôn đạt 13,91%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 11,7 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo trung bình giảm xuống 5%.
Nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết 09/NQ/BCH Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, huyện Quan Sơn tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong vùng, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo cho bà con, tạo tiền đề rút ngắn chênh lệch trình độ dân sinh giữa các dân tộc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho bà con nhân dân, cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.