"Tôi đi nhiều, chưa thấy nước nào đem cân đi tính tiền đổ rác..."
"Tôi từng đi tham quan một số nước nhưng chưa thấy nước nào đem cái cân bàn đi để ai đổ rác thì đặt lên cân rồi ghi sổ…", GS Đặng Kim Chi nói.
Thu phí rác thải sinh hoạt |
Dư luận đang dậy sóng trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đề xuất phương án thu phí rác thải theo khối lượng thay vì phương án thu bình quân theo hộ như trước đây.
Cụ thể, tham gia thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội vào sáng 11/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đang trình Quốc hội thông qua xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilôgam.
Ông Trần Hồng Hà giải thích, trước mắt, người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Khi đời sống người dân tăng lên thì sẽ điều chỉnh dần để người dân trả cả chi phí này.
Chia sẻ với phóng viên về đề xuất này, GS. TS Đặng Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, một trong những điểm mới của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi là tính phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng. Điều này có mặt tích cực.
Bởi trên thực tế, hiện chúng ta đang thu theo hộ gia đình, đây là bất cập. Hộ gia đình 5 người hay 10 người thì cũng chung một mức mà lượng rác thải ra 1 người khác với 10 người, do đó người dân chưa ý thức đối với việc giảm thiểu rác thải.
“Tôi không nghĩ chi tiết là đem cân từng kilogam đâu, có thể có nhiều biện pháp tính theo đầu người trung bình nhà 10 người thì trả tiền nhiều hơn 1 - 2 người chứ không phải tính theo khối lượng, cân từng túi rồi trả phí, như thế có nhiều bất cập”, GS Kim Chi nói.
Thứ hai, tính theo khối lượng rác thải thì sẽ tạo cho người dân ý thức phải giảm thải. Nếu từng hộ gia đình, từng nơi quan tâm đến vấn đề này thì tổng lượng rác thải phát sinh ra sẽ giảm đi. Kết quả là sẽ không gây áp lực lớn cho quá trình xử lý rác mà hiện nay chúng ta đang rất bức xúc về công nghệ xử lý rác phù hợp:
Nếu chôn lấp thì không còn đất. Nếu xử lý bằng phân vi sinh thì chúng ta chưa phân loại tốt, chất lượng phân vi sinh không tiêu thụ được ở vùng nông nghiệp.
Nếu đốt thì lại có bất cập là đốt mà không thu năng lượng thì giá thành cao, gây lãng phí; mà đốt thu năng lượng thì phải đầu tư thêm hệ thống phát điện, giá thành sẽ đội lên rất nhiều, biện pháp kiểm soát khó khăn hơn.
Do đó, GS Kim Chi một lần nữa khẳng định thu phí chất thải sinh hoạt tại nguồn phát sinh góp phần khuyến khích người dân giảm thiểu rác thải.
“Việc thu phí rác thải theo khối lượng không phải là đem cân. Vấn đề là sau khi Luật có hiệu lực thì những văn bản, nghị định phải chi tiết hóa và phải áp dụng theo vùng địa phương khác nhau.
Ví dụ, ở đô thị thu theo kiểu nào, ở nông thôn thu kiểu nào, ở vùng sâu vùng xa thu theo kiểu nào... không phải đại trà được. Để khả thi thì phương án thu phải tùy theo điều kiện đặc thù của kinh tế - xã hội của địa phương ấy”, GS Kim Chi nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi "nếu mang cân để tính khối lượng rác thải quy ra mức phí có khả thi hay không", GS. TS Đặng Kim Chi cho rằng “phải chờ giải pháp ở các quy định chi tiết thể hiện ở những văn bản dưới luật”.
“Tôi cho rằng tùy nơi, tùy theo đặc điểm điều kiện kinh tế của địa phương để thực hiện việc này. Nếu ở vùng sâu vùng xa, người ta cần thu lại những rác thải sinh hoạt phát sinh nhưng phải đem đi xử lý tập trung với khối lượng ít thì có thể cân. Còn nếu ở các khu đô thị mà đặt rác lên để cân thì điều này phải xem xét xem có khả thi hay không?. Nhưng tôi nghĩ là khó, không khả thi. Có lẽ cũng không ai áp dụng điều ấy!
Tôi từng đi tham quan một số nước nhưng chưa thấy nước nào đem cái cân bàn đi để rồi ai đổ rác thì đặt lên cân rồi ghi sổ… Có thể họ quy định theo kiểu khác. Ví dụ ở những nước đang phát triển có nơi đã áp dụng thu phí rác theo đầu người.
Mọi người hiểu thu phí rác thải theo khối lượng mà đem ra cân thì hơi cứng nhắc. Và không nên hiểu rằng phải đem đi cân, không có chuyện ấy. Có thể sẽ quy định bình quân đầu người tại từng khu vực đô thị, nông thôn hay miền núi. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm điều kiện, kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương”, GS Đặng Kim Chi phân tích.
Ông cho rằng, quan trọng nhất là không thu phí thu gom, xử lý rác theo nguyên tắc đánh đều bình quân, ví dụ sẽ không thu tiền rác 10.000 - 20.000 đồng/hộ mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích thải ra. Người xả ra nhiều rác thì phải trả tiền nhiều hơn. Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích. Chẳng hạn, trên bao bì đựng rác người ta tính khoảng bao nhiêu mét khối rác. Tính theo thể tích là phù hợp hơn.
Ông Hà cũng cho biết, có nhiều cách thực hiện. Nhiều nước tính tiền thu gom, xử lý rác qua việc bán bao bì đựng rác. Người dân sẽ thực hiện phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì sẽ có các thể tích khác nhau. Dựa vào lượng rác qua các bao bì này để thu tiền thu gom, xử lý rác.
N. Huyền