Mưa lớn cùng thủy điện xả nước, “rốn lũ” Đại Lộc ngập sâu
Mưa lớn trở lại, cộng với nhiều thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam xả nước điều tiết khiến “rốn lũ” Đại Lộc ngập nặng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong ngày hôm nay (10/10) đến trưa 12/10, lượng mưa trên địa bàn tỉnh đạt từ 250-350mm.
Cùng với đó, các thủy điện như: A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 2, Đắc Mik 4 đồng loạt xả lũ với lưu lượng 500m3/s nên mực nước trên các sông Vu Gia và Thu Bồn tăng nhanh.
Đến chiều 10/10, thị trấn Ái Nghĩa ngập sâu |
Người dân phải dùng thuyền để đi chuyển trên phố |
Từ đêm 9/10, xã Đại Hưng đã chìm trong biển nước |
Tại vùng “rốn lũ” huyện Đại Lộc, các xã ven sông như Đại Đồng, Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Cường, thị trấn Ái Nghĩa… nước ngập nặng ở nhiều khu dân cư, có nơi ngập sâu từ 0,5m-1m, cùng với đó là các tuyến đường bị chia cắt.
Anh Ngô Hiếu (xã Đại Cường) cho hay, từ đêm hôm qua đến rạng sáng nay, mực nước bắt đầu lên nhanh trở lại. “Đợt mưa trước nước chưa kịp rút hết, rạng sáng nay mưa lớn trở lại nên nước lên rất nhanh làm nhiều ngôi nhà bị ngập, đường sá bị chia cắt nên tôi không thể đến công ty đi làm”, anh Hiếu nói.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (thị trấn Ái Nghĩa) cho biết, sáng 9/10, chị cứ nghĩ nước đã rút nên gia đình đưa đồ đạc đã di dời lên nơi cao ráo trước đó về lại. Nào ngờ, đến rạng sáng nay nước lại dâng lên nhanh nên gia định chị lại phải tiếp tục dọn đồ tránh lũ.
Cũng theo chị Thúy, chị có cửa hàng buôn bán tại thị trấn Ái Nghĩa nhưng nhà ở xã Đại Hiệp. nên khi vừa kê hàng hóa lên cao xong là chị phải về nhà, bởi nếu chậm trễ, nước lũ lên nhanh chia cắt tuyến đường ĐT609 là không thể đi lại được.
Trụ điện ngã đổ do mưa lũ
|
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã điều động 20 cán bộ, chiến sĩ hành quân về huyện Đại Lộc thiết lập Sở Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc, chủ động ứng phó các tình huống.
Tính đến 11h cùng ngày, tại huyện Đại Lộc, mực nước ở các sông Vu Gia và Thu Bồn chảy qua địa phương đã vượt mức báo động 3. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã chủ động lên phương án di dời các hộ dân ở vùng trũng thấp bị cô lập sơ tán về Sở chỉ huy tiền phương, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ ứng cứu, đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân.
Cũng trong ngày 10/10, ông Lê Trí Thanh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đã ký công điện khẩn về việc chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới.
Công điện nêu rõ, trong 24h qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã mưa to đến mưa rất to. Dự báo trong 24 đến 48h tới các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to.
Nước ngập sâu nên người dân phải dùng xăm xe làm phương tiện để di chuyển |
Nhiều gia đình phải kê cao đồ đạc để tránh nước lũ dâng đột ngột |
Hiện nay mực nước các sông đang lên lại, mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa đã vượt mức báo động 3.
Để tập trung, chủ động ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 18h cùng ngày.
Sơn Tùng
Mưa lũ miền Trung khiến 13 người chết, mất tích
Mưa lũ lớn tại miền Trung đã khiến 13 người chết, mất tích, 5 người bị thương. Thiệt hại do mưa lũ gây ra rất nặng nề.