Liên tục tìm người đến quán karaoke mở 'chui', nhiều F0: Chỉ phạt hành chính có ổn?
Sau nhiều vụ phát hiện các quán karaoke vẫn lén lút hoạt động bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương, ủ ra nhiều F0 Covid-19, lây lan dịch bệnh, thì việc phạt hành chính với các quán karaoke vi phạm hiện nay có đủ nghiêm khắc?
Gần đây, các cơ quan y tế liên tục phát đi thông tin tìm người đến quán karaoke có người nhiễm Covid-19 trong thời gian các địa phương vẫn cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ này khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý. Việc để các quán karaoke hoạt động chui như vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Xử lý các cơ sở vi phạm ra sao mới thỏa đáng?
Ảnh minh họa. |
Thời gian vừa qua, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành đã dần nới lỏng các hoạt động ăn uống tại chỗ, hoạt động du lịch, hoạt động thể thao ngoài trời, những vẫn có một số dịch vụ mang tính chất giải trí chưa được mở cửa trở lại như dịch vụ karaoke.
Dù chưa được mở cửa hoạt động nhưng các thông tin về việc tìm người đến các quán karaoke có F0 vẫn xuất hiện khá nhiều. Để xảy ra tình trạng này, có nhiều nguyên nhân.
Trước tiên là do ý thức của người có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh cũng như coi thường pháp luật khiến họ bất chấp việc có thể bị xử phạt để sử dụng dịch vụ chui.
Có cầu thì sẽ có cung, nguyên nhân thứ hai phải kể tới chính là việc các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không tuân thủ pháp luật, bất chấp hoạt động mặc dù biết ngành nghề dịch vụ này có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao và đã bị chính quyền cấm trong thời gian này để phòng, chống dịch.
Thứ ba là sự quản lý lỏng lẻo của cấp chính quyền quản lý như công an, văn hóa, đặc biệt là công an các địa phương chưa đi sâu sát, kiểm tra giám sát gắt gao đối với khu vực có các quán karaoke hoạt động.
Điều này khiến dư luận bức xúc, hoài nghi: Liệu có tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu lợi ích gì ở đây không?
Cần phải điều tra làm rõ các vụ việc, xét xử nghiêm minh để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và công tác phòng, chống dịch Covid 19.
Đối với các chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy theo mức độ vi phạm của hành vi, bị can sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; hoặc bị phạt tù 1-5 năm.
Còn theo căn cứ các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý vi phạm hành vi này sẽ phải chịu mức phạt vi phạm 20 triệu đồng, thậm chí còn bị tước giấy phép kinh doanh dịch vụ khi không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan nhà nước.
Với những người đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong thời gian bị cấm, có thể sẽ bị xem xét hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19. Vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân, 20 triệu đồng đối với tổ chức".
Các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch đến nay không phải là con số ít. Nếu mỗi người dân ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch cùng cộng đồng sẽ góp phần hạn chế các ca mắc Covid-19, góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị cho các bệnh nhân.
Nhà nước cũng cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ hay cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch; gia tăng các biện quản lý pháp mạnh để hạn chế thấp nhất những thiệt do Covid-19 gây ra cho xã hội.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội
Sông Yên (ghi)