Đổi mới sự nghiệp công lập ở Thừa Thiên Huế: Kết quả bước đầu
Hiện nay, trên địa bàn Thừa Thiên Huế, tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập đều thực hiện theo tinh thần của Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Tất cả các đơn vị đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và giải pháp thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ nhằm mục đích tăng thu, tiết kiệm chi và đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động.
Hầu hết các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ đều chú trọng các giải pháp tăng thu, đặc biệt là thu các hoạt động dịch vụ, tiết kiệm chi phí đầu vào, chi thường xuyên để từng bước cải thiện thu nhập cán bộ, tích lũy để tăng cường cơ sở vật chất.
Về giải pháp tăng thu: Có sự thảo luận, bàn bạc công khai, dân chủ, trong đơn vị; xây dựng kế hoạch và các phương án thực hiện nhằm mở rộng hoạt động, phát triển nguồn thu sự nghiệp; chú trọng đến giải pháp tài chính để động viên CBVC; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tham gia vào dịch vụ;…
Về giải pháp tiết kiệm chi: Lãnh đạo các đơn vị đều có sự quyết tâm cao, quán triệt của lãnh đạo đối với CBVC; tuyên truyền và vận động CBVC quán triệt tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng các biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực tùy tình hình thực tế và tính chất công việc của mỗi các nhân, mỗi bộ phận, mỗi tổ chức…
Các đơn vị đã chủ động trong việc rà soát, xắp sếp lại bộ máy hoạt động của đơn vị mình tinh gọn, tiết kiệm chi phí…
Qua gần 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP thì đại đa số các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số hiệu quả nhất định, số đơn vị có tiết kiệm được đạt khoảng 90%; số kinh phí tiết kiệm được trên 170,5 tỷ đồng (số liệu đến cuối năm 2011); số đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm trên 2 lần ( 02 đơn vị), số đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 1 đến 2 lần ( 70 đơn vị), số đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm dưới lần ( 443 đơn vị)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của các đơn vị Sự nghiệp công lập còn gặp phải một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
Nhận thức của người dân, xã hội về đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; Trình độ và tư duy của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ về công tác quản lý, quản trị nội bộ ở nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chậm đổi mới, còn quan liêu, hách dịch, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ mang tính độc quyền, ít có cạnh tranh.
Cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị Sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ dẫn đến chất lượng và hiệu quả cung ứng các dịch vụ sự nghiệp còn hạn chế; Một số đơn vị Sự nghiệp công lập trong quản lý tài chính chưa đảm bảo theo các nguyên tắc hạch toán kinh tế đầy đủ. Quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, chưa thật sự khuyến khích người lao động; Một số đơn vị Sự nghiệp công lập khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu...
Hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chưa đồng bộ, chậm sửa đổi như: định mức giờ giảng, định mức biên chế theo lĩnh vực, theo ngành, nghề, các định mức kinh tế-kỹ thuật của một số lĩnh vực đã làm hạn chế tính tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu còn thiếu tính thực tiễn, còn nhiều bất cập nhưng chưa được kịp thời bổ sung, sữa đổi cho phù hợp.
Chất lượng xây dựng và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ một số đơn vị chưa thực sự xem Quy chế chi tiêu nội bộ là công cụ để điều hành chi tiêu của đơn vị mình, một số Thủ trưởng đơn vị và Lãnh đạo Công đoàn cơ quan chưa chú trọng giáo dục và động viên cán bộ công chức, viên chức thực hiện theo Quy chế; ý thức của cán bộ công chức, viên chức một số đơn vị vẫn chưa cao trong thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình,….
Các đơn vị phải sử dụng 40% nguồn thu để thực hiện cải cách tiền lương nên gặp khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ. Một số đơn vị mặt dù đã huy động 40% nguồn thu đã đảm bảo trang trải cho việc thực hiện cải cách tiền lương nhưng vẫn còn dư, theo quy định phải để lại tiếp tục thực hiện tiền lương các năm tiếp theo nên khó khăn về nguồn vốn để phát triển các nhiệm vụ sự nghiệp, mở hoạt động dịch vụ, mặt khác các đơn vị sự nhiệp tự bảo đảm 100% kinh phí hoạt động thì khi thay đổi mức tiền lương thì nhà nước cũng không bổ sung khoản kinh phí này mà đơn vị phải tự cân đối, do đó việc bắt buộc các đơn vị này huy động nguồn làm lương sẽ không phù hợp thực tế; Việc huy động 40% nguồn làm lương từ chênh lệch hoạt động dịch vụ tại các đơn vị sự nghiệp là chưa thực sự hợp lý, vì các đơn vị sự nghiệp có hoạt động dịch vụ đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm như doanh nghiệp, vì vậy nếu huy động nguồn làm lương từ hoạt động dịch vụ sẽ không kích thích, động viên các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực này.
Để quản lý hoạt động của các đơn vị Sự nghiệp công lập đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục tạo hành lang, pháp lý thông thoáng cũng như có cơ chế chính sách tài chính đối với loại hình dịch vụ này.