Đối mặt với thủ đoạn rửa tiền hợp pháp đầy tinh xảo, ngân hàng phải làm gì?
Hệ thống thông tin của ngành ngân hàng trở thành mục tiêu của tội phạm trong đó có tội phạm rửa tiền |
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển đã khiến tội phạm mạng ngày càng tăng cao, nhất là đối với lĩnh vực ngân hàng. Hệ thống thông tin của ngành ngân hàng trở thành mục tiêu của tội phạm trong đó có tội phạm rửa tiền.
Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, hiện nay vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, phức tạp. Tội phạm rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thực hiện các hành vi chiếm đoạt, lừa đảo thương mại điện tử. Các cuộc tiến công không chỉ nhằm mục đích trộm cắp thông tin, tiền mà còn nhằm làm tê liệt hoạt động ngân hàng, tài chính của cả nền kinh tế.
Rửa tiền hợp pháp là thủ đoạn khá mới của tội phạm rửa tiền. Mặc dù hoạt động của chúng vẫn là chuyển tiền phi pháp từ các tài khoản tín dụng mà bọn tội phạm ăn cắp được, song những thủ đoạn thực hiện của chúng lại tinh vi hơn để đánh lừa ngân hàng và các cơ quan quản lý.
Cơ quan này cũng cảnh báo, thời gian tới sẽ gia tăng nạn lừa đảo trực tuyến, các cuộc tiến công có chủ đích sẽ nhằm vào ngân hàng để lấy cắp thông tin khách hàng đã được lưu trữ. Đặc biệt là các hoạt động rửa tiền xuyên quốc gia, tiến công từ chối dịch vụ, phá hoại dữ liệu sẽ bùng phát. Tội phạm mạng tiếp tục xây dựng, mở rộng hình thức tấn công botnet (các máy tính bị nhiễm mã độc tự động tiến công mục tiêu mà người sử dụng không biết), phục vụ cho các cuộc tiến công quy mô lớn có thể làm tê liệt hệ thống mạng in-tơ-nét, dịch vụ của các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Ngân hàng đối phó thế nào?
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện nay, lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam vẫn thiếu các chuyên gia, nguồn nhân lực về an ninh thông tin. Các hoạt động để bảo đảm an ninh, bảo mật của hệ thống ngân hàng do bị phụ thuộc vào các hàng nước ngoài về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật cho nên còn hạn chế.
Tuy nhiên, các hệ thống quan trọng như core banking, in-tơ-nét banking, thẻ đều có hệ thống dự phòng, sẵn sàng hoạt động khi có sự cố, các số liệu hoạt động nghiệp vụ hằng ngày được sao lưu an toàn. Đồng thời, các ngân hàng đã chú trọng trong việc triển khai các giải pháp kỹ thuật để theo dõi, giám sát hệ thống an ninh mạng in-tơ-nét, tăng cường bảo mật cho hệ thống theo nhiều tầng, lớp. Một mặt các hệ thống tường lửa, phòng chống xâm nhập, tiến công từ chối dịch vụ, thất thoát dữ liệu được tăng cường, đồng thời triển khai các tiêu chuẩn về an toàn thông tin theo thông lệ quốc tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, hiện NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các công ty cung cấp giải pháp an ninh công nghệ thông tin để xây dựng, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã chủ động xây dựng mạng lưới cung cấp, chia sẻ thông tin và ứng cứu sự cố an ninh thông tin trong ngành. Tăng cường đào tạo, cập nhật công nghệ mới để phòng tránh các rủi ro an ninh mạng in-tơ-nét.
Ðể ngăn chặn nguy cơ mạng in-tơ-nét bị tiến công, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ bí mật, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các cán bộ. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin, các dịch vụ ngân hàng điện tử để bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống thông tin ngân hàng.