Độc đáo những ngôi nhà cổ của người Mông Tây Bắc
Mái nhà cổ của đồng bào Mông tạo nên sự độc đáo của xứ Pha Long |
Những ai nếu có dịp đến Mường Khương (Lào Cai) thì đừng bỏ lỡ một lần ghé thăm Pha Long - mảnh đất biên giới để lại ấn tượng khó quên với nhiều cảnh đẹp và nét hấp dẫn, trong đó có những ngôi nhà cổ của đồng bào người Mông nơi đây.
Cách trung tâm huyện Mường Khương khoảng 20 km, vượt qua những con đèo uốn lượn, những bản làng nhỏ điểm xuyết giữa bức tranh ruộng bậc thang, du khách sẽ đến được Pha Long. Trái ngược thị trấn khá ồn ào với những ngôi nhà cao tầng san sát, Pha Long mang lại cảm giác riêng nhờ sự cổ kính và bình yên từ những ngôi nhà cổ của đồng bào Mông.
Những mái nhà cổ của đồng bào Mông ẩn mình trong sương sớm, được bao bọc bởi núi non hùng vĩ mang vẻ đẹp văn hóa bản địa, tạo nên sự độc đáo của xứ Pha Long.
Sau bao thăng trầm của lịch sử, đồng bào Mông ở đây vẫn giữ được nếp nhà xưa, thuần túy cổ kính mà đẹp nao lòng đến thế.
Nét độc đáo trong kiến trúc những ngôi nhà cổ của người Mông ở Pha Long chính là được xây dựng theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có ba gian hai cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ và tối thiểu là hai cửa sổ).
Ngoài cửa chính lúc nào cũng treo một tấm vải đỏ, cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Điều làm nên nét đẹp nguyên sơ, thơ mộng cho những ngôi nhà ấy chính là màu nâu vàng của tường đất xen kẽ với màu xám của đá. Tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp khiến bất cứ ai đi qua cũng phải chiêm ngưỡng.
Nhiều ngôi nhà cổ ở Pha Long hiện nay được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ. Ẩn hiện trong bức tranh hùng vĩ vùng cao Pha Long là những nếp nhà với mái ngói thâm rêu nổi bật trên sắc màu tươi của cuộc sống mới.
Ngày nay, trải qua nhiều biến đổi, phần lớn những ngôi nhà cổ được người Mông cải tiến cho phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như sinh hoạt và lao động sản xuất. Tuy nhiên, những nét truyền thống đặc trưng như kiến trúc, kết cấu, vị trí phòng thờ, sắp xếp cửa… cơ bản vẫn in dấu văn hóa xưa.
Không chỉ ở Pha Long (huyện Mường Khương) mà ở thôn Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai) nằm trên lưng chừng núi có gần 50 hộ người Mông sinh sống. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường lạnh giá, sương mù về mùa đông và nắng gắt về mùa hè nên bà con nơi đây không làm nhà gỗ hoặc xây nhà, mà ở nhà tường trình đất.
Những ngôi nhà đất ở Say Sán Phìn (Si Ma Cai) bình dị trong làn sương sớm. |
Được biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ, che trú cho gia chủ, những ngôi nhà đất của đồng bào Mông còn mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Vì để làm được ngôi nhà đất rộng cả trăm mét vuông, gia chủ chỉ có cách nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm. Mỗi ngôi nhà tường trình đất được hoàn thiện, tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt.
Khác với nhà tường trình (nhà nấm) của đồng bào Hà Nhì, nhà tường trình đất của đồng bào Mông cao, rộng hơn, có gác xép (tầng 2) để trữ ngô, lúa và gian bếp tách biệt với nhà ở; các phòng trong ngôi nhà chính được ngăn cách với nhau bằng ri-đô hoặc ván mỏng. Chính nhờ có thêm phần gác cao và những cửa sổ mà ngôi nhà thoáng, nhiều ánh sáng hơn.
Một ngôi nhà đạt tiêu chuẩn, tường đất có độ dày đạt 50cm, đất kết dính thành khối chắc như xi măng, mái nhà đảm bảo độ vươn cách tường ít nhất 1m, hệ thống rãnh thoát nước phía chân tường hoạt động tốt, không để nước ngấm gây lở tường.
Ở Si Ma Cai, nếu có dịp đến với xã Sín Chéng, mọi ngưới sẽ rất ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp dung dị, sự bề thế của những ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống của người Mông Hoa nơi đây.
Nhà chính đối diện với cổng vào, gồm phòng khách ở giữa và phòng ngủ hai bên. |
Ngôi nhà truyền thống của người Mông Hoa có 5 gian, 6 vì với kết cấu hai tầng bề thế. Có 4 dãy nhà nối tiếp, vuông góc với nhau tạo khoảng không ở giữa là giếng trời. Nhà chính đối diện với cổng vào, gồm phòng khách ở giữa và phòng ngủ hai bên. Tầng 2 của ngôi nhà được dùng làm nhà kho chứa nông sản và các vật dụng trong gia đình.
Tầng 2 của ngôi nhà được dùng làm nhà kho chứa nông sản và các vật dụng trong gia đình. |
Gỗ là nguyên liệu chính để làm nhà. Tường bao xung quanh nhà được trình bằng đất rất dày, đảm bảo mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Ngói được sử dụng là ngói máng do người dân tự làm.
Nằm giữa rừng cây, ngôi nhà người Mông Hoa mang vẻ đẹp cổ kính. |
Nguồn: Báo LCO