Doanh nghiệp vượt khó, thích ứng với “điều kiện mới” bằng công nghệ nhắn tin
Câu chuyện thành công của PNJ cho thấy rõ cách mà hoạt động thương mại điện tử dựa trên nền tảng đối thoại đã giúp một đơn vị kinh doanh ngành hàng không thiết yếu vượt khó, thậm chí đạt được tăng trưởng ấn tượng.
Covid-19 hạn chế các hoạt động giao tiếp của con người, điều này gây ra không ít bất tiện. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu được tầm quan trọng cũng như cách thức mà công nghệ nhắn tin đang thay đổi hoạt động giao tiếp của con người, từ đó xây dựng nên những chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Theo một khảo sát của hãng kiểm toán Deloitte, 77% số doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỏi cho biết họ đã bắt đầu sử dụng, hoặc tăng mức độ sử dụng các công cụ số hóa trong bối cảnh dịch bệnh. Trong năm 2020, tổng lượng đối thoại mỗi ngày giữa doanh nghiệp và người dùng trên hai nền tảng Messenger và Instagram đã tăng hơn 40%.
Khi ngày càng có nhiều người lựa chọn mua sắm qua các kênh xã hội, doanh nghiệp sẽ tạo lập được những công nghệ đối thoại giúp họ kết nối nhiều hơn và hiệu quả hơn với khách hàng. Ví dụ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tái tạo trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng ngay trên không gian số thông qua việc cho phép khách hàng đặt câu hỏi và tiếp nhận giải đáp về sản phẩm, mọi lúc, mọi nơi.
Câu chuyện thành công của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), doanh nghiệp bán lẻ trang sức của Việt Nam, cho thấy rõ cách mà hoạt động thương mại điện tử dựa trên nền tảng đối thoại (conversational e-commerce) đã giúp một đơn vị kinh doanh ngành hàng không thiết yếu vượt khó, thậm chí đạt được tăng trưởng ấn tượng như thế nào.
Bằng việc ra mắt Charmy, hình thức trải nghiệm tự động xây dựng trên nền tảng Messenger, PNJ đã có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện có tính cá nhân hóa với khách hàng, phản hồi các thắc mắc cũng như giới thiệu các sản phẩm cao cấp với sự cặn kẽ và tận tâm không khác gì tư vấn trực tiếp tại cửa hàng.
Chỉ trong vòng một tháng, từ tháng 9 đến tháng 10/2020, chiến lược thương mại đối thoại đã giúp PNJ tăng doanh số bán hàng ở cả hai kênh truyền thống và trực tuyến, với khoảng 17.000 cuộc hội thoại được thiết lập trong suốt chiến dịch, thu về lợi nhuận gấp 138 lần so với số tiền chi cho quảng cáo và đạt tỉ lệ chuyển đổi từ Messenger sang giao dịch thành công lên tới 10%.
Kết quả là, trong cả năm 2020, PNJ đạt doanh thu 17.511 tỷ đồng, lãi ròng 1.069 tỷ đồng, Trong đó, lợi nhuận quý 4/2020 của PNJ đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Charmy – hình thức trải nghiệm tự động mà PNJ xây dựng trên nền tảng Messenger. |
Mới đây, PNJ công bố kết quả kinh doanh tháng 5/2021 với doanh thu thuần 1.593 tỷ đồng (tăng 56,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 85 tỷ đồng (tăng 58,6%).
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.626 tỷ đồng (tăng 62,9%) và lợi nhuân sau thuế đạt 685 tỷ đồng (tăng 88,4%) với sự tăng trưởng đều của các kênh bán hàng, đặc biệt là bán lẻ và vàng miếng.
Câu chuyện của PNJ chỉ là một ví dụ trong vô vàn những doanh nghiệp đã nhanh nhạy thích nghi với điều kiện mới. Các công ty công nghệ đã sớm nhận ra sự thay đổi hành vi này và xúc tiến các chiến lược nhằm đáp ứng các nhu cầu tăng nhanh trước những làn sóng bùng phát Covid-19.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Covid-19 buộc nhiều nền kinh tế và thể chế xã hội thích ứng với trạng thái bình thường mới, nơi video mạng xã hội thực sự lên ngôi.
Vừa qua, Facebook tổ chức sự kiện trực tuyến “Facebook Video Summit 2021” nhằm chia sẻ nhiều phát hiện thú vị liên quan tới hành vi sử dụng video của người dùng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới.
Bên cạnh những con số và nhận định đáng chú ý, Facebook cũng đưa ra những góc nhìn và kiến nghị quan trọng, giúp các thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi của người tiêu dùng trong thời đại lên ngôi của video xã hội (social video), cũng như chiến lược tiếp thị mới để chinh phục khách hàng với bộ giải pháp video trên nền tảng của mình.
Theo đó, 95% người dùng Việt Nam sử dụng Internet để xem video mỗi tháng. 68% người dùng xem video ít nhất một lần mỗi ngày. Trung bình người dùng Việt Nam dành khoảng trên 1 giờ cho mỗi lần xem video trên mạng xã hội. Có tới 97% người dùng Việt nhận biết Facebook là một nền tảng video. Trong số các nền tảng video, Facebook có lượt truy cập để xem video cao nhất vào hầu hết tất cả các khung giờ trong ngày, đặc biệt là vào khung giờ 8h-11h, 11h-14h, 14-17h.
Tuân Nguyễn
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.