Doanh nghiệp vẫn tự bơi là chính
Ông VĂN ĐỨC MƯỜI, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN):
DN vẫn “tự bơi” là chính
Cuộc vận động này là động lực thúc đẩy nhận thức người tiêu dùng, nung đúc ý chí DN sản xuất nhằm đảm bảo 2 mục tiêu: Người tiêu dùng tin tưởng và nhà sản xuất tự hào với sản phẩm của mình.
Qua thực hiện, nhiều DN, trong đó có VISSAN, đã có tăng trưởng doanh số đột phá, hàng Việt đã có độ phủ rộng hơn. Riêng hệ thống siêu thị Co.opmart, hàng Việt hiện chiếm tới hơn 90%, các siêu thị khác hơn 65%. TPHCM cùng các hiệp hội luôn lồng khẩu hiệu này vào các chương trình như hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, chương trình bình ổn giá hàng năm, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn…Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng phải “tự bơi”, ít nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Bộ Công Thương có một số chương trình hỗ trợ nhưng cũng chỉ “nghe nói” chứ không thấy cụ thể tới DN. Với chương trình xúc tiến đưa hàng Việt về nông thôn, muốn tham gia DN phải đóng tiền.
Ngoài ra, sự động viên về tinh thần hầu như không có. Theo tôi, Bộ Chính trị đưa ra lời kêu gọi nhưng để cụ thể hóa, Chính phủ, Bộ Công Thương phải làm điều gì đó cụ thể hơn, thí dụ nên có những chính sách hỗ trợ đầu tư cho sản xuất.
DN hưởng ứng cuộc vận động này bằng cách tự tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, VISSAN vẫn hưởng ứng lời kêu gọi nhưng thực tế không có lời kêu gọi chúng tôi vẫn phải cố gắng xem nên làm như thế nào để bán hàng và chinh phục người tiêu dùng. Muốn vậy chúng tôi phải đầu tư cho công nghệ, tái cấu trúc bộ máy, tô đắp thương hiệu… Chúng tôi phải tự mình phát triển bền vững rồi theo đó hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Chính trị.
Ông PHẠM THANH HÙNG, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân:
Chủ động mở nhiều kênh phân phối
Những năm gần đây, áp lực cạnh tranh giữa các DN trong nước và nước ngoài là rất lớn, với ngành nông nghiệp cũng vậy. Trong thị trường trứng gia cầm, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để cạnh tranh với nhiều tập đoàn lớn đến từ nhiều nước khác nhau.
Áp lực cạnh tranh không chỉ nhằm mục tiêu chiếm lĩnh thị phần, khẳng định thương hiệu của một DN trong nước, mà mục tiêu cao hơn là góp phần bình ổn giá cả thị trường nội địa, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng ngàn bà con nông dân.
Trong bối cảnh đó, cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, giúp chúng tôi tự tin mở rộng quy mô sản xuất, từ đó chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong những DN hàng đầu ở ngành trứng gia cầm trong nước.
DN tham gia chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn
Để người Việt Nam tin dùng hàng Việt Nam, bên cạnh một chủ trương đúng đắn về việc khuyến khích, tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở mỗi DN là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người Việt Nam tin tưởng vào hàng Việt Nam. Yếu tố thứ hai là kênh phân phối. Để người Việt tin dùng hàng Việt, DN cần chủ động tìm nhiều giải pháp để mở rộng kênh phân phối như siêu thị, chợ truyền thống. Yếu tố thứ ba là chương trình bình ổn giá của TPHCM.
Có thể nói, sự kết hợp giữa chương trình bình ổn giá và cuộc vận động đã góp phần tạo nên sự lan tỏa rộng. Từ việc bình ổn giá trong dịp tết, chúng tôi đã mạnh dạn cùng với lãnh đạo TP tham gia bình ổn quanh năm. Thực tế, giá trứng sạch của chúng tôi bao giờ cũng thấp hơn thị trường 10%.
Yếu tố cuối cùng, sẽ giúp DN thành công khi đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước là sự đồng hành của các cơ quan truyền thông. Trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước vốn có tâm lý tin dùng hàng ngoại trong nhiều năm, truyền thông-quảng cáo sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc in dấu ấn của thương hiệu Việt trong lòng người tiêu dùng.