Doanh nghiệp, người dân được hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội
Đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp, để kịp thời hỗ trợ người dân và nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nhằm bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhiều địa phương hoàn thành hỗ trợ 100%
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (Nghị quyết số 11), 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân doanh số các chương trình được hỗ trợ lãi suất khoảng 66 nghìn tỷ đồng cho hơn 1,6 triệu khách hàng.
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) cho biết, đến nay, 5 chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch năm 2022.
Để thực hiện tốt việc cho vay theo Nghị quyết 11, ngay từ đầu năm, ngân hàng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tích cực rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn; đồng thời đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.
Ngay khi nhận được kế hoạch vốn từ trung ương phân bổ về, chi nhánh đã nhanh chóng triển khai cho vay nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân phục hồi, phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập.
Đến nay, chi nhánh đã thực hiện cho vay với dư nợ đạt hơn 291 tỉ đồng/7.407 khách hàng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 140 tỉ đồng/3.100 khách hàng; cho vay nhà ở xã hội 71,3 tỉ đồng/175 khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập 48 tỉ đồng/3.570 hộ gia đình để mua máy tính cho 4.840 học sinh sinh viên; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 4,785 tỉ đồng/62 cơ sở; cho vay chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 27 tỉ đồng/500 khách hàng.
Tại Thanh Hóa, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp cho nhiều lao động có điều kiện khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện giải ngân kịp thời. Tổng dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11 đạt 345,1 tỷ đồng/425,4 tỷ đồng kế hoạch giao, hoàn thành 81,1% kế hoạch.
Trong đó, cho vay hỗ trợ việc làm là 150 tỷ đồng/220 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 152,4 tỷ đồng/156 tỷ đồng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính học trực tuyến 37,1 tỷ đồng/43 tỷ đồng; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 5,6 tỷ đồng/6,4 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết: Hết tháng 9/2022, chi nhánh đã giải ngân hơn 110,3 tỷ đồng, cho 1.935 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 100 tỷ đồng cho 1.724 khách hàng; cho vay nhà ở xã hội hơn 4,4 tỷ đồng cho 6 khách hàng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến hơn 1,7 tỷ đồng cho 177 HSSV được vay vốn;…
Tại Bắc Kạn, đến tháng 8/2022, số lao động đang làm việc được hỗ trợ tiền thuê nhà trong khu công nghiệp là 88 người với tổng số tiền 49 triệu đồng; hỗ trợ người lao động quay lại thị trường là 10 người với tổng số tiền 10 triệu đồng.
Cũng trong tháng 8/2022, tổng giá trị thuế VAT được giảm trừ 2% đối với 106 doanh nghiệp được giảm là 8,3 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đầu năm có 133 doanh nghiệp được giảm với tổng kinh phí 243 tỷ đồng; tổng giá trị giảm lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong tháng 8 là 4,7 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đầu năm 2022 là 7,4 tỷ đồng. Trong tháng 8 có 60 doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế với tổng số tiền được gia hạn là 2,4 tỷ đồng.
Hỗ trợ tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, hơn 1,1 nghìn DN được vay vốn
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào nhóm nhiệm vụ liên quan tới hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Nghị quyết số 11, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sự phối hợp đồng bộ các giải pháp như các chương trình cho vay ưu đãi; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng; hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.... đã đem đến các kết quả khả quan. Quy mô gói hỗ trợ đã được mở rộng hơn nhiều so với năm 2020 và 2022.
Nhờ các chính sách đưa ra được tính toán kỹ lưỡng, kịp thời giúp cán cân đối chủ chốt của nền kinh tế giữ vững, hệ thống tín dụng ngân hàng bảo đảm an toàn, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định và có thể duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 660 nghìn lao động, giúp trên 4,9 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 17 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập: giải ngân cho hơn 82 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập.
Gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho trên 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng khoảng 1,1 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng hơn 01 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 07 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...
Nhờ đó, thị trường lao động dần phục hồi tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực.
Nguyễn Vũ