Doanh nghiệp đồng hành cùng hàng Việt
Hàng Việt về nông thôn
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng tới hình thành thái độ và thói quen dùng hàng Việt cho bà con nhân dân. Sau hơn 3 năm phát động, hàng trăm chuyến đưa hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đứng ra kêu gọi, tổ chức với sự tham gia của các đơn vị như: Siêu thị Co.op Mart Pleiku, Vinatext Pleiku, siêu thị phố Núi và một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (Viettel, VNPT, Mobifone…) cũng như một số nhà sản xuất có thương hiệu trong và ngoài tỉnh: Cà phê Thu Hà, Công ty cổ phần phân bón Mỹ Việt, Công ty TNHH MTV Vật tư nông nghiệp Sài Gòn tại Tây Nguyên,… đã góp phần không nhỏ trong việc tạo cơ hội cho người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt.
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Ảnh Lê Hòa
Siêu thị Co.op Mart Pleiku là một trong những đơn vị đứng đầu trong phong trào này. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, siêu thị Co.op Mart Pleiku tổ chức một chuyến bán hàng lưu động về các địa bàn vùng sâu, vùng xa tại các huyện: Kbang, Chư Sê, Đức Cơ, Krông Pa… Hàng hóa 100% là hàng của các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp, chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh và đặc biệt là thường đi kèm chương trình khuyến mại. Các mặt hàng chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu: Dầu ăn, mắm, muối, bột ngọt, đường, bánh kẹo…
Ủng hộ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, siêu thị Vinatext Pleiku cũng tổ chức nhiều hoạt động: Đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá, bán hàng lưu động… Trong tháng 5-6 vừa qua, siêu thị đã liên tục tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động tại 9 huyện, thị xã trong tỉnh (Đức Cơ, Chư Sê, Mang Yang, Chư Pah…).
Nhiều chương trình giảm giá từ 10-50% các mặt hàng may mặc của các nhà sản xuất trong nước cũng được đưa vào áp dụng. Không chỉ hướng tới thị trường vùng sâu, vùng xa ở Gia Lai, siêu thị còn tham gia hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại một số vùng nông thôn tỉnh bạn Bình Định. Có thể nói, những hoạt động này, ngoài lợi ích quảng bá thương hiệu đơn vị đến với người tiêu dùng, còn góp phần không nhỏ đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng nông thôn.
Ưu tiên cung cấp và phân phối hàng Việt cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Công ty cổ phần thương mại Gia Lai Comexim- Đơn vị đứng đầu trong hệ thống phân phối, cung cấp hàng hóa tại thị trường Gia Lai, xác định. Với doanh số bán hàng lên tới 60-70 tỷ/tháng và có gần 4.000 khách hàng là các đại lý, điểm bán lẻ hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh, lựa chọn cung cấp các mặt hàng hàng Việt là ưu tiên số 1. “Hàng ngoại- nếu là “ngoại xịn” giá thành sẽ rất cao, người tiêu dùng khó tiếp cận, còn đối với hàng ngoại “dởm”, hàng Trung Quốc, sẽ rất khó để bán vì người dân dè chừng. Sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường của các nhà sản xuất Việt Nam luôn là lựa chọn của chúng tôi”- Ông Nguyễn Thái Bình- Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Gia Lai- Comexim, cho biết.
Cần sự quan tâm của ngành chức năng và chính quyền địa phương
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã và đang tạo ra những chuyển biến rõ nét trên thị trường cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng. Hàng Việt, từ chỗ mờ nhạt trên thị trường bởi sự lấn lướt của hàng ngoại nay đã ngày một khẳng định vị trí vững chắc hơn trong lòng người tiêu dùng. Góp một phần không nhỏ vào sự thắng lợi ấy phải kể đến những doanh nghiệp làm công tác phân phối. Song song với các hoạt động tuyên truyền, vận động để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các hoạt động vừa mang tính kinh doanh, vừa định hướng tiêu dùng cũng có tác dụng không nhỏ.
Tại siêu thị Co.op Mart Pleiku, việc đưa vào áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cũng góp phần đưa các sản phẩm hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Ảnh Lê Hòa
Trong đó, tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… đã trở thành hình thức quảng bá hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc định hướng tiêu dùng cho người dân.
Tuy là chủ trương được ngành chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, song hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn hiện cũng gặp phải không ít những khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đơn vị tham gia chấp nhận phải bù lỗ là một khó khăn, thử thách rất lớn trong việc kêu gọi, tổ chức thành công cũng như “giữ chân” được các đơn vị trên hành trình đồng hành cùng hàng Việt về với vùng sâu, vùng xa. Khi kinh doanh không có lãi, đa số, các đơn vị phải lấy tiêu chí nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu của mình đến người tiêu dùng làm mục tiêu và động lực, vậy nên, để duy trì ổn định và lâu dài sẽ là vấn đề rất khó khăn.
Anh Bùi Quốc Bình- Phó Giám đốc Co.op Mart Pleiku, cho biết: “Đa phần các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng lưu động đơn vị thường không có lãi, thậm chí lỗ dăm bảy triệu là chuyện thường do chi phí vận chuyển, nhân công cao. Do vậy, đơn vị đã phải vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia để bù vào khoản chi phí nhân công. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị nên đơn vị sẽ luôn cố gắng ủng hộ hết mình”.
Ngoài chuyện lỗ- lãi, điều kiện đường xá đi lại xa xôi, vất vả, yếu tố ngoại cảnh do thời tiết tác động cũng là một trong những trở ngại không nhỏ. Sức hỗ trợ của ngành chức năng cũng có giới hạn, nhiều lúc, nhiều nơi, ngoài những người dân đến các điểm bán hàng Việt tham quan, mua sắm thì cũng có một số đối tượng đến gây rối, quậy phá khiến đội ngũ nhân viên phải xoay sở hết sức vất vả… Bố trí địa điểm bán hàng cũng như một vài công tác tổ chức khác một số nơi vẫn chưa thực sự tốt và đảm bảo cho doanh nghiệp được hoạt động hiệu quả nhất.
Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mục tiêu này có thực hiện được hay không phải nhờ vào những đơn vị, doanh nghiệp tham gia khâu phân phối. Thiết nghĩ, để đơn vị, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng chủ trương lớn, thậm chí chấp nhận cả phần “thiệt thòi” thuộc về mình, rất cần một sự quan tâm, hỗ trợ sâu sát và quy mô hơn nữa từ phía ngành chức năng và chính quyền địa phương.