Đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99%: Bệnh thành tích vẫn còn!
Ông Nguyễn Văn Tuyết |
Tính đến ngày hôm qua, 18/6, là thời điểm cuối cùng các tỉnh, thành công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 – 2014. Đa số các tỉnh đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 99%.
Trao đổi với PV Infonet bên lề Quốc hội về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng bệnh thành tích vẫn còn.
Thưa ông, mới đây nhiều tỉnh thành trong cả nước đã công bố kết quả kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 99%, ông nhận định như thế nào về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp này?
Theo tôi, tỷ lệ học và tỷ lệ thi như thế nào sẽ cho thấy kết quả như vậy. Nhưng với kết quả đỗ tốt nghiệp hơn 99% chúng ta cũng phải chú ý. Thứ nhất, có thể do học sinh học tích cực, trúng tủ nên đạt kết quả cao. Thứ hai, có thể do đề thi ra vừa sức với học sinh, học sinh hiểu được vấn đề đó nên làm được bài. Thứ ba, là các môn mà học sinh lựa chọn thấy rằng các em thích thú với những môn thi đó.
Từ kết quả thi tốt nghiệp cao trên 99% như vậy, theo tôi cũng nên tính lại việc tổ chức kỳ thi như thế nào cho hiệu quả. Bản thân tôi rất băn khoăn với kết quả đó.
Có người cho rằng không cần tổ chức thi nữa, rất lãng phí. Chỉ nên tổ chức xét tốt nghiệp để cho học sinh đỡ bị áp lực, nặng nề trong quá trình chuẩn bị thi cử. Vì học sinh quan tâm nhiều hơn là đợt thi vào cao đẳng, đại học, bỏ thi tốt nghiệp THPT thì học sinh sẽ dồn sức cho cuộc thi cao đẳng, đại học.
Ý kiến này cũng khiến tôi băn khoăn, nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì học sinh chỉ tập trung vào những môn mà mình lựa chọn để thi vào cao đẳng, đại học từ đó sẽ dẫn đến học không toàn diện.
Cho nên, theo tôi nên chuyển cách thi sang hình thức kiểm tra kiến thức của học sinh để nó đơn giản và gọn nhẹ hơn. Tức là vẫn là kiểm tra nhưng chỉ mức như kiểm tra môn học như bình thường ở trong nhà trường để học sinh vẫn phải học đều các môn học để có một kiến thức toàn diện.
Với tỷ lệ 99% đỗ tốt nghiệp, theo tôi chúng ta phải tính lại xem để có cách thi cử đơn giản, gọn nhẹ hơn. Ví dụ chúng ta xét tốt nghiệp nhưng vẫn phải kiểm tra kiến thức của học sinh rồi mới cho tốt nghiệp. Nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để học sinh vẫn phải học, phải có kiến thức. Đó là điều mà tôi quan tâm.
Như vậy thì kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa tốn kém, vừa không thực chất thưa ông?
Nên thay đổi để nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn kém về vật lực. Nhưng làm sao đạt được yêu cầu là học sinh quan tâm đến nhiều vấn đề, lĩnh vực. Chứ bỏ hoàn toàn sẽ không hợp lý khi học sinh chuyển từ thái cực này sang thái cực kia.
Nếu bỏ thi tốt nghiệp THP thì học sinh chỉ học các môn mình quan tâm, ví dụ học sinh thi vào khối A thì chỉ học các môn Toán, Lý, Hóa còn các môn khác lại bỏ bẵng, thưa ông?
Đúng vậy. Lúc đó, học sinh chỉ tập trung vào những môn thi đại học. Như vậy là không nên. Làm sao đánh giá thi cử cho nhẹ nhàng nhưng vẫn phải yêu cầu học sinh học nghiêm túc. Như vậy mới có kiến thức được.
Dư luận cho rằng kết quả thi THPT như bây giờ vẫn là hình thức, vì các trường sẽ đua nhau để báo cáo thành tích về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất?
Dư luận nói là có lý. Vì bệnh thành tích của chúng ta vẫn còn, do vậy chúng ta phải đánh giá cho thực chất, chứ đỗ hơn 99% đúng là có hình thức ở trong đó. Cho nên học và thi nếu chỉ có học mà không thi học sinh sẽ không chịu học. Còn thi mà nặng quá sẽ vất vả. Học sinh phải nắm kiến thức để vào đời, để bước vào hội nhập.
Vậy, con số về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao cũng như số học sinh giỏi hàng năm ngày càng nhiều phải chăng là do áp lực của bệnh thành tích, thưa ông?
Theo tôi đó cũng là bệnh thành tích. Nếu lãnh đạo nhà trường đặt thành tích ra đối với các giáo viên, như vậy là không nên. Làm sao phải đánh giá cho thực chất năng lực và học lực của học sinh một cách khách quan.
Tuy nhiên, cái này cũng có nguyên nhân từ việc phụ huynh muốn con mình học giỏi. Học sinh muốn mình có bảng điểm tốt. Nhà trường muốn có nhiều học sinh giỏi. Chúng ta cứ chạy theo cách đó thì không phân biệt được thật, giả. Những học sinh có năng lực cũng sẽ buồn vì nỗ lực cố gắng bằng kiến thức thực cũng bằng điểm với học sinh được nâng đỡ, được nâng điểm. Rõ ràng như vậy là không công bằng.
Chúng ta phải bỏ cái bệnh thành tích đi để cho mỗi học sinh có sự phấn đấu. Và học sinh tự thấy được năng lực của mình mà còn định hướng nghề nghiệp nên chọn nghề nào để phù hợp với lực học, chứ không học sinh cứ nghĩ mình giỏi, ảo tưởng để thi đại học vào những trường cao thì sẽ trượt. Nếu thi vào trường nghề tốt để ra trường có việc làm, thu nhập phù hợp với khả năng và thực chất sẽ tốt hơn nhiều cho xã hội.
Xin cảm ơn ông!