"Dở ông dở thằng" sau khi đi du học sớm, cái kết không thể đau hơn
Không thể phủ nhận con đường du học là một trong những lựa chọn để phát triển, học hỏi, trưởng thành của nhiều người. Chính họ đã đóng góp rất nhiều cho gia đình, quê hương, đất nước sau khi du học. Tuy nhiên, không phải con đường du học nào cũng dẫn đến thành công và không phải ai ôm giấc mộng du học cũng thành người thành đạt. Tuyến bài Cho con đi du học sớm của Infonet đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều từ độc giả. Nhiều bạn đọc đã đồng cảm, chia sẻ thêm những câu chuyện cũng như kinh nghiệm du học của con cái, người thân để gửi về tòa soạn. Chúng tôi xin cảm ơn độc giả về sự góp ý đa chiều cho vấn đề du học sớm của học sinh hiện nay.
Sau đây là câu chuyện của anh Nguyễn Quang Tùng, giám đốc một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội chia sẻ về câu chuyện của mình.
"Thời trẻ, tôi cũng ham chơi, mải mê với công việc nên 38 tuổi mới lập gia đình. Vợ tôi là một tiến sĩ ngành văn học bằng tuổi.
Hai vợ chồng lấy nhau áp lục nhất là chuyện con cái. Sau 3 năm kết hôn, ở tuổi 41, trời thương chúng tôi cũng có một cậu con trai kháu khỉnh. Từ khi con học THCS chúng tôi đã tìm hiểu để cho con đi du học tại Anh. Bởi tôi được biết, Anh là quốc gia một có nền giáo dục chất lượng hàng đầu trên thế giới. Với các bằng cấp tại Anh bạn có thể tạo nên sự thay đổi lớn trong nghề nghiệp của mình.
![]() |
Cần phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định cho con đi du học (ảnh minh họa) |
Hai vợ chồng tích góp, chứng minh tài sản, hoàn tất thủ tục để cho con sang Anh ngay khi con vào lớp 10 theo diện tự túc 100%. Thế nhưng một điều mà chúng tôi chưa tính đến là một thời gian sau, trung tâm tiếng Anh của tôi mắc sai phạm nên bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, nguồn thu để chu cấp cho con đi học đã không còn thực sự ổn.
Vợ tôi là tiến sĩ nhưng không phải người kiếm tiền chủ lực, lo kinh tế cho gia đình. Công việc của cô ấy giống như “có một việc để sáng xách xe và mặc quần áo đẹp” ra khỏi nhà. Cầm cự một thời gian, sau khi tôi bán cả đất đai tài sản chúng tôi tích góp thì kinh tế cũng cạn thực sự.
Tôi già đi trông thấy vì nghĩ đến con, thời điểm đó tôi bị stress nặng khi mọi thứ bên Anh đều đắt đỏ còn tôi thì không kiếm ra tiền như xưa nữa.
Về phần con trai tôi, ban đầu sau khi sang Anh, cháu thường xuyên gọi điện về nhà. Rồi dần dần, những cuộc gọi thưa thớt, mỗi lần gọi chỉ là vấn đề “bố gửi tiền sang cho con đi, con hết tiền rồi”.
Việc học của cháu cũng dần sao nhãng khi không có người kèm cặp thường xuyên, tôi nhận tin cháu không qua lớp vì không vượt qua các kỳ kiểm tra. Tôi thực sự thấy mình bất lực. Tôi nhiều lần tâm sự với con, muốn con kiếm thêm việc để trang trải chi phí bên đó nhưng thằng bé quen được chiều chuộng lại bị thả ra tự lập quá sớm nên cũng không kiếm được việc gì ổn.
Cuối cùng, cầm cự đến khi học năm thứ 2 đại học thì con tôi phải về nước. Điều khiến tôi không ngờ đến nữa là cháu bị tổn thương trước những lời dèm pha của bạn bè, người quen “sao chưa học xong đã về nước?” . Dần dần, cháu chỉ ở nhà, cắm đầu vào chơi game, kết bạn với thế giới ảo và ngại giao tiếp với mọi người.
Tôi động viên con cố gắng vượt qua thời gian này và trước mắt kiếm một việc gì đó đơn giản để làm. Thế nhưng, qua hơn chục công ty để phỏng vấn mà không nơi nào chịu nhận vì kiểu “dở ông, dở thằng”, “Tây không ra Tây mà ta không ra ta” của con.
Bố mẹ chạy vạy xin cho vào làm tại công ty của người quen, nhưng con kiên quyết không chịu nhuộm lại mớ tóc vàng khè, quần áo lùng nhùng rách rưới. Nó cũng không chịu tháo những chiếc khuyên chi chít một bên tai và mũi dù cho bố mẹ hết lời khuyên bảo.
Rồi cũng muối mặt để nó ăn mặc thế đi làm, nhưng với tác phong ngông nghênh, phớt đời, cộng với cách ăn mặc “không giống ai” thái quá nơi công sở, thằng bé mau chóng bị cho thôi việc.
Sau đó, hai vợ chồng khuyên bảo cho nó đi học một lớp nghề phổ thông thì bạn bè ghét bỏ bởi thói khinh người, hợm hĩnh và những câu chửi thề liên tục khiến người khác khó chịu của thằng bé.
Buồn chán, nó lại tiếp tục lao đầu vào game, không chịu làm gì kể cả việc nhà. Tôi thực sự bất lực với con. Nhiều khi hai vợ chồng nói với nhau: Giá mà ngày ấy không cho con đi du học sớm thì đâu đến nỗi…