Đình công trên khắp nước Mỹ, người lao động kêu gọi điều kiện làm việc tốt hơn
CNBC đưa tin, ở Mỹ, công nhân trong nhiều ngành công nghiệp đang đình công kêu gọi điều kiện làm việc tốt hơn.
Theo nhà phân tích David Madland, trong nhiều thập kỷ, lợi ích doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu và hiện nay trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cũng như thiếu hụt lao động thấp kỷ lục, người lao động đang nắm bắt cơ hội để cải thiện tình hình.
Làn sóng đình công đang lan rộng khắp nước Mỹ khi công nhân bày tỏ sự không hài lòng về tiền lương và điều kiện làm việc.
Công nhân tại sân bay Phoenix đã đình công, câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Philadelphia, nơi các nhân viên của khách sạn Wyndham không đến làm việc vào ngày hôm qua.
Vào tuần trước, các công nhân của tập đoàn chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp John Deere đã đạt được thỏa thuận sau một tháng đình công.
Nhưng liệu những cuộc đình công này có ảnh hưởng lâu dài? Đây là câu hỏi được đặt ra bởi tác giả của bài báo trên Newsweek. Dòng tiêu đề có nội dung: “Người lao động đình công trên khắp đất nước. Đã đến lúc nước Mỹ phải lắng nghe”. Tác giả của bài viết này là David Madland, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm tư tưởng tự do vì sự tiến bộ của Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy điều này vì 2 lý do. Thứ nhất, có những vấn đề tồn tại lâu dài đối với nền kinh tế. Trong nhiều thập kỷ, lương và phúc lợi không tương xứng. Biểu đồ dần xấu đi và kéo theo những thứ tương tự. Thứ hai, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thực sự đè bẹp nhiều người lao động, buộc họ phải làm việc cực kỳ căng thẳng hoặc trong những điều kiện nguy hiểm, trong khi họ chứng kiến các tập đoàn của mình đạt lợi nhuận kỷ lục”, ông Madland nói.
Ông Madland cho biết thêm, “vì vậy người lao động bức xúc. Nhưng bây giờ họ cũng có thế mạnh, vì thị trường lao động rất chặt chẽ. Người lao động rất mong muốn được bù đắp khoảng thời gian đã mất. Họ muốn nhân cơ hội này để cải thiện môi trường làm việc của mình”.
CNBC đặt câu hỏi, giải pháp cho tình trạng thiếu lao động là nâng cao chất lượng việc làm. Bạn nghĩ gì về việc này?
“Hiện nay có quá ít công việc với mức lương tốt, phúc lợi, sự thăng tiến trong sự nghiệp và sự an toàn. Và những gì chúng ta cần, cụ thể là các hành động trực tiếp với người lao động ngay bây giờ. Cố gắng thương lượng mức lương cao hơn với chủ lao động.
Nhưng theo tôi, hơn 30-40 năm qua nền kinh tế đang nghiêng về các tập đoàn, không vì quyền lợi của người lao động. Vì vậy, chúng ta cần một chính sách có lợi hơn, có trọng lượng hơn với lợi ích của người lao động.
Ngoài ra, cần phải các chính sách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người lao động tham gia công đoàn. Trong tình hình hiện nay, điều này thực tế là không thể, mặc dù thực tế là hơn một nửa số công nhân nói rằng họ muốn gia nhập công đoàn, chỉ có 6% hiện là thành viên công đoàn”, ông Madland bình luận.
CNBC hỏi tiếp, chúng tôi thấy người lao động bây giờ có sức mạnh rất lớn. Nhưng bạn nghĩ tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu?
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy những cuộc đình công này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp đến mức khó tin. Nhưng trong hơn 40 năm qua, chúng ta chỉ có vài năm bị ảnh hưởng với thị trường lao động eo hẹp như vậy.
Tôi không kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục kéo dài, trừ khi chúng ta thay đổi cán cân quyền lực theo nhiều cách khác nhau. Không chỉ phải trả giá bằng thị trường lao động thắt chặt, mà còn bằng các chính sách phản ánh lợi ích của người lao động ở mức độ tốt hơn”, tác giả bài viết nhấn mạnh.
Sự giảm tốc trên thị trường việc làm đang làm dấy lên những lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trước những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra một số tín hiệu tích cực từ các số liệu mới như tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh xuống mức 4,8%, kết quả tốt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tiền lương cho người lao động Mỹ cũng tăng đáng kể, khi các doanh nghiệp cố gắng thu hút nhân viên mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thất nghiệp giảm một phần là bởi nhiều người dân đã quyết định rời khỏi lực lượng lao động và do đó không bị tính vào số người thất nghiệp. Điều này đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ cần nỗ lực hơn nữa để khuyến khích người dân quay trở lại làm việc.
Nhà miễn dịch học nêu nguyên nhân chính của làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu
Làn sóng dịch bệnh thứ tư ở châu Âu là do nhiều nguyên nhân cùng một lúc, mà nguyên nhân chính là việc một bộ phận dân số từ chối tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Thanh Bình (lược dịch)