Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số từ ngày 1/10
Việc điều tra thu thập thông tin được thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số nhằm mục đích hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Dự kiến sẽ có khoảng 15 nghìn điều tra viên tiến hành điều tra hộ, tương đương khoảng 15 nghìn địa bàn điều tra.
Trong cuộc điều tra năm nay, có 98 chỉ tiêu được thu thập thông tin, chia thành 10 nhóm nội dung: dân số; lao động; đói nghèo và an sinh xã hội; an toàn xã hội và an ninh trật tự; văn hóa, xã hội; tiếp cận giáo dục; tiếp cận y tế; tiếp cận cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số; tôn giáo người dân tộc thiểu số.
Trước khi tiến hành chính thức cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê đã điều tra thí điểm tại 2 tỉnh Lai Châu và Sóc Trăng để xin ý kiến hoàn thiện các chương trình phần mềm, các tài liệu điều tra cũng như các nguyên tắc kết nối dữ liệu điều tra.
Ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 nhằm tạo nguồn dữ liệu, số liệu cập nhật phục vụ cho việc tham mưu, hoạch định chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng báo cáo phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.
Đối với 52 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số, miền núi, kết quả cuộc điều tra lần này sẽ là cơ hội để các địa phương nắm lại thực trạng kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, xây dựng dự thảo báo cáo chính trị và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đảm bảo chính xác, thuyết phục, khả thi.