Điện thoại phát nổ khi chơi game, chuyên gia hướng dẫn dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Ngày 5/12, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa cấp cứu cho một nam thiếu niên (14 tuổi, Hải Dương). Ngày 4/12, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dập nát tay trái. Tai nạn xảy ra khi thiếu niên này đang dùng điện thoại thì bất ngờ thiết bị này phát nổ.
TS.BS Ngô Thái Hưng, khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nam bệnh nhân bị nát bàn tay trái, vết thương dập nát da gan tay và hở lộ khối xương trụ cốt, gãy hở các xương bàn.
Đáng ngại hơn, điện thoại phát nổ khiến cho 5 ngón tay của nam thiếu niên này dập nát.
Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Sau phẫu thuật, các ngón tay của bệnh nhân đã hồng trở lại.
Đây không phải trường hợp đầu tiên điện thoại phát nổ khi đang sử dụng. Đầu tháng 9 vừa qua, cháu tại Cao Bằng xảy ra trường hợp bị điện giật tử vong khi vừa sạc vừa chơi game.
Theo đó, sự việc xảy ra đêm 3/9, khi cả nhà đi ngủ thì cháu H.V.T, sinh năm 2007, trú tại xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ngồi một mình chơi game ở bàn uống nước.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, thời tiết ngoài trời lúc đó đang mưa to và có sấm chớp.
Khoảng 23h45 ngày mẹ của T nghe thấy tiếng kêu ở ngoài bàn uống nước nên đã dậy, từ phòng ngủ ra kiểm tra phát hiện lúc đó T đang trong tư thế bò khom người lên giường ngủ và đắp chăn (giường ngủ ở ngay cạnh bàn uống nước), chiếc điện thoại di động của T (lúc đó màn hình vẫn đang bật) rơi ở dưới đất - cạnh bàn uống nước ngay vị trí T thường ngồi để chơi game - còn đang cắm sạc.
Thấy vậy, mẹ của T đã gọi chồng dậy để đi báo cho trưởng xóm biết. Khi trưởng xóm đến kiểm tra thì xác định cháu T đã ngừng thở.
Theo TS.BS Hưng gần đây, nhiều vụ tai nạn xảy ra do nổ điện thoại khi chơi điện tử trong thời gian liên tục hoặc vừa sử dụng vừa sạc gây cụt chi, bỏng mặt...
Do đó, người dân nên cẩn thận trong việc sử dụng điện thoại, không nên chơi điện tử lâu, sử dụng các loại sạc điện thoại đảm bảo chất lượng. Tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố.
Liên quan đến vấn đề này, TS Bùi Hùng Thắng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ - Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, điện thoại phát nổ có nhiều nguyên nhân.
Trong đó, có thể do chất lượng pin không đảm bảo. Thông thường sau thời gian sử dụng, các cục pin đi kèm máy mới bóc tem sẽ chai pin phải thay. Thống kê cho thấy, pin đóng góp phần lớn vào các nguyên nhân gây cháy, nổ điện thoại.
Ngoài ra, củ sạc cũng là nguyên nhân dễ gây hở điện, chập điện hoặc phát nổ. Do đó, cách tốt nhất để phòng là nên tìm mua củ sạc và dây sạc chính hãng tại các cửa hàng uy tín với chế độ bảo hành rõ ràng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, nhiệt độ là kẻ thù của smartphone, đa số các điện thoại hiện nay đều có cơ chế tự tắt khi máy quá nóng.
Nhưng trong một số trường hợp máy vẫn sẽ phát nổ nếu nhiệt độ lên cao quá đột ngột. Nhiệt độ không chỉ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ trên máy mà còn có thể gây nổ máy.
Do đó, khi sử dụng (hay gặp trong tình huống nếu bạn chơi game hay nghe nhạc lâu) mà thấy điện thoại quá nóng thì hãy ngừng việc sử dụng máy lại trong chốc lát để máy nguội bớt.
Trong trường hợp bạn không sử dụng nhưng máy vẫn nóng bạn cần thử khởi động lại máy, nếu vẫn không hết bạn hãy ghé lại trung tâm bảo hành để tiến hành kiểm tra máy nhé.
TS Bùi Hùng Thắng cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, giám sát, dặn các con kỹ về nguy cơ để các cháu không vừa sạc điện thoại vừa chơi game.
Theo đó, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ khi sạc điện thoại cần để ở không gian thoáng.
Ví dụ như mình nằm trên giường xem điện thoại, sau đó đi ngủ thì cắm sạc, nhưng điện thoại lại để dưới chăn hay gối, như thế rất nguy hiểm vì nhiệt độ điện thoại tăng cao mà không thoát ra ngoài được (do có chăn, gối xung quanh) cũng có thể gây ra nguy hiểm (cháy, nổ).
Theo đó, điện thoại khi sạc nên để xa chỗ ngủ, không che phủ các đồ vật khác lên điện thoại trong quá trình sạc, đảm bảo thông thoáng khí, cũng như không để các đồ vật khác có nguy cơ cháy nổ cạnh điện thoại khi cắm sạc.
N. Huyền