Điện quang can thiệp cứu nhiều bệnh nhân 'hết cửa' chữa
Có những trường hợp khối u không thể mổ được thì chuyên ngành điện quang sẽ giúp người bệnh và thực tế bệnh nhân ung thư gan sống tới 20 năm đã có.
Đó là chia sẻ của GS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam tại Hội nghị thường niên lần thứ 23 của Hội vào ngày 19/8.
GS Thông cho biết trong nhiều năm qua, lĩnh vực điện quang can thiệp tại Việt Nam được thực hiện, các bệnh viện lớn đã làm chủ được kỹ thuật tiên tiến này như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, giúp người bệnh được hưởng các kỹ thuật cao với chi phí, giá thành thấp.
Nhiều kỹ thuật mới được đưa ra và triển khai thành công như: Kỹ thuật điều trị phình động mạch não bằng đặt stent đổi hướng dòng chảy; kỹ thuật lấy huyết khối động mạch trong nhồi máu não cấp; kỹ thuật nút mạch cầm máu trong cấp cứu nội khoa (sản khoa, tiêu hoá), trong chấn thương; kỹ thuật can thiệp khối u trong và ngoài mạch máu, nút mạch điều trị khối u…
GS Phạm Minh Thông chia sẻ tại hội nghị. |
GS Thông chia sẻ, bệnh nhân của ông có người bị ung thư gan được nút mạch từ 20 năm trước, họ vẫn sống khỏe. Nếu trước đây, người bệnh u gan không có biện pháp nào hỗ trợ thì chỉ tử vong. Nhưng điện quang lại làm được bằng nút mạch để “khóa” đường sống của khối u, làm cho khối u vôi dần và chỉ trở thành vết sẹo trên gan.
Ngoài ra, khi tim mạch là tử thần hàng đầu đe dọa sức khỏe con người thì điện quang như “vũ khí” để cứu người bệnh. Nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não đã được cứu sống nhờ điện quang can thiệp. Bệnh nhân nhồi máu não chỉ sau vài tiếng lấy được cục máu bít tắc trong lòng mạch, tái thông máu về não là bệnh nhân tỉnh táo, hết liệt, để lại ít di chứng nhất.
GS Thông cho biết qua 60 năm, chuyên ngành điện quang đã phát triển như vũ bão và trong tương lai nó sẽ chiếm ưu thế hơn nữa khi điện quang góp phần quan trọng từ khâu chẩn đoán tới khâu điều trị trong cả ung thư, tim mạch, các bệnh cấp tính khác.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ còn thực hiện kỹ thuật can thiệp nút mạch khối u, điều trị phình động mạch não phức tạp bằng đặt stent đổi dòng chảy, chụp Xquang tuyến vú phát hiện ung thư vú sớm và kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú…
Được biết, hiện cả nước đã có khoảng 30 Bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật điện quang can thiệp, trong đó có khoảng gần 20 đơn vị có thể thực hiện được các kỹ thuật điện quang can thiệp thần kinh.
Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Minh Thông, hiện ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh vẫn chưa thể làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến này. Vì vậy, Hội Điện quang và Y học hạt nhân VIệt Nam vẫn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị để giúp các bác sĩ tuyến dưới có thể nắm bắt được các kỹ thuật mới giúp điều trị người bệnh tốt hơn.
Khánh Chi