Cứu sống ngoạn mục người đàn ông Nhật Bản chỉ còn 10% cơ hội sống
Bệnh viện Quân y 175 vừa cứu sống ngoạn mục nam bệnh nhân quốc tịch Nhật Bản (54 tuổi), bị đột quỵ do nhồi máu não, xơ vữa mạch máu hệ thống, suy kiệt nặng, suy thận, nguy cơ tử vong cao.
Theo đó, Bệnh nhân Ochiai Masayoki, 54 tuổi, sống tại Gò Vấp, TP.HCM có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, từng bị đột quỵ não cách đây 4 năm, gây ra di chứng yếu nhẹ nửa người bên phải nhưng vẫn có khả năng đi lại được, và bệnh thận mạn tính giai đoạn IV.
Trước đó, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy kiệt, không ăn uống được, thể trạng “da bọc xương”. Theo thân nhân người bệnh, bệnh nhân ăn kém 2 tháng, giảm 20 kg trọng lượng cơ thể.
Cùng thời điểm này, tình hình lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng gia tăng. Vì sợ nguy cơ mắc COVID-19 cho bệnh nhân, gia đình đã không đưa bệnh nhân đi khám và điều trị bệnh. Khi tình trạng bệnh nhân trở nặng, gia đình đưa bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỷ lệ cứu sống thấp.
Khi nhập viện, bệnh nhân mở mắt tự nhiên không tiếp xúc; thể trạng suy kiệt, mất nước nặng, đồng thời huyết áp rất cao. Các chuyên khoa tiến hành khám xét nghiệm, đánh giá tiên lượng nặng.
Tình trạng xơ vữa mạch hệ thống nặng, đặc biệt là nhồi máu tắc mạch não, hẹp tắt cả các mạch máu não trên 75%, các mạch não không còn cơ hội can thiệp.
Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề bệnh nhân rất khó giải quyết: thiếu dưỡng chất cần nuôi dưỡng nhưng bệnh nhân không thể ăn được, nếu ăn qua sonde nguy cơ hít sặc; mặt khác huyết áp cao, nguy cơ suy tim…
Một ca cấp cứu đột quỵ tại BV 175. |
Sau khi thực hiện các khám xét, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã hội chẩn ngay trong đêm để thống nhất chẩn đoán, đánh giá và phương hướng xử trí. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu, kháng sinh, kiểm soát huyết áp, chống kết tập tiểu cầu, điều chỉnh nước điện giải, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch và sonde dạ dày.
Khó khăn lúc này là hệ thống mạch ngoại vi xơ vữa, không thể thiết lập đường truyền thuốc và nuôi dưỡng. Thậm chí tĩnh mạch đùi thông thường được sử dụng để thiết lập đường vào mạch máu cho lọc máu cũng xơ vữa nặng và không thể sử dụng.
Các bác sĩ chọn giải pháp xâm nhập qua tĩnh mạch cảnh cổ. Việc thực hiện trong đêm với hoàn cảnh khẩn cấp, càng nhanh càng tốt để mong cứu sống người bệnh.
Sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện. Khi tri thức cải thiện, gọi hỏi có đáp ứng, bệnh nhân bắt đầu vận động tại giường, huyết áp được kiểm soát bằng thuốc, đường huyết ổn định, tiểu 2000-2500 ml/24h, chức năng thận hồi phục, dinh dưỡng cải thiện.
Thạc sĩ, BSCKII Ngô Trọng Vinh, Chủ nhiệm Khoa Thận – Lọc máu chia sẻ: “Với cơ hội sống sót rất thấp, chúng tôi bắt buộc phải đưa ra các giải pháp mạo hiểm để cứu sống bệnh nhân. Bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng hết sức nguy kịch, khó khăn trong vấn đề đặt đường truyền mạch máu, do đó các bác sĩ buộc phải chọn giải pháp đưa máu vào tĩnh mạch cổ. Đồng thời phải luôn phòng ngừa các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra: nguy cơ huyết khối, thuyên tắc mạch, nguy cơ hít sặc, viêm phổi suy hô hấp… Các điều dưỡng phải luôn túc trực để chăm sóc, xoay trở để chống loét, vỗ rung kết hợp khí dung long đờm, nuôi ăn chống trào ngược, nôn ói”.
Đến tuần thứ 3, tình trạng tri thức bệnh nhân dần ổn định, các bác sĩ và điều dưỡng tiếp tục tăng cường chế độ về dinh dưỡng để giúp bệnh nhân nhanh chóng cải thiện. Đặc biệt, bệnh nhân còn nói được “Thanks you!” để gửi lời cảm ơn đến các y, bác sĩ, điều dưỡng luôn túc trực chăm sóc để bệnh nhân “thoát cửa tử” và dần hồi phục.
“Mỗi ngày, tôi đều ghé thăm bệnh nhân vào sáng sớm, thấy được tình trạng bệnh nhân dần hồi phục tôi cảm thấy rất vui mừng và có thêm động lực để hoàn thành tốt sứ mệnh, chức trách được giao” - Thạc sĩ, BSCKII Ngô Trọng Vinh, Chủ nhiệm Khoa Thận – Lọc máu chia sẻ thêm.
Khánh Chi