Điện Biên: Đào tạo nghề cho 8000 lao động/ năm
Học nghề khi đã làm nghề
Có lẽ không ít người cho rằng, đã làm nghề rồi thì cần gì phải học, nhưng sau khi tận mắt chứng kiến những lớp học nghề như vậy, chúng tôi chắc chắn một điều rằng: Học chẳng bao giờ thừa. Ngay cả những nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng cũng đang từng bước nhận ra điều đó. “Người dân xã Sam Mứn chúng tôi nổi tiếng khắp vùng với nghề trồng rau màu truyền thống, năng suất cao. Song không vì thế mà nông dân từ chối lớp học kỹ thuật trồng rau bởi họ nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích”. Đó là khẳng định của ông Lò Văn Chanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) khi trao đổi với chúng tôi về công tác đào tạo nghề cho nông dân.
Những học viên lớp may công nghiệp |
Minh chứng cho điều đó, ông Chanh dẫn chúng tôi đến thăm những hội viên trồng rau, nuôi lợn sau khi đã hoàn thành khóa học kỹ thuật trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP và chăn nuôi thú y cuối năm 2010. Chị Nguyễn Thị Thủy ở bản Pom Lót cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3.000m2 bãi bồi ven sông Nậm Núa và sản xuất rau gần chục năm qua. Tuy nhiên, bằng ấy năm, chúng tôi cứ trồng cứ bán mà không biết người dùng rau có an toàn hay không. Cuối năm 2010, nghe nói có lớp dạy nghề về trồng rau VietGAP, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa an toàn cho người sử dụng nên tôi đăng ký theo học. Sau khóa học, tôi vỡ ra được nhiều điều, hóa ra trước đây tôi chỉ làm bằng kinh nghiệm mà chưa biết áp dụng kỹ thuật vào trồng rau; không biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào cho hiệu quả; nên sử dụng những loại phân bón gì để vừa tiết kiệm, vừa không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của từng loại rau”. Sau khi học xong, chị Thủy áp dụng kiến thức học được để thí điểm trên 1.000m2 trồng rau, nhờ đó giảm được chi phí đầu vào, năng suất, chất lượng rau xanh vẫn đảm bảo, cho thu nhập cao hơn.
Tạo nền tảng cho công tác dạy nghề
Nói về công tác đào tạo nghề cho nông dân, bà Hoàng Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ và Giải quyết việc làm nông dân (Hội Nông dân tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Dạy nghề cho nông dân không đơn giản, học xong rồi nông dân có áp dụng được, sống được với nghề lại càng khó hơn. Do đó, để nông dân tích cực và hứng thú với việc học nghề thì chất lượng đào tạo phải được ưu tiên hàng đầu. Nếu học xong mà bỏ đó, không áp dụng được vào sản xuất, dù Nhà nước có hỗ trợ kinh phí cho người học thì bà con cũng sẽ không tham gia. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 85%, đa phần là chưa qua đào tạo. Do đó, việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân tại địa phương là rất cần thiết, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo cơ sở cho việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian tới”.
Xác định công tác đào tạo nghề là mục tiêu chiến lược để hoàn thành nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Điện Biên đã dành nhiều ưu tiên cho công tác này với những giải pháp cụ thể như: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trường cao đẳng nghề và các trung tâm dạy nghề cấp huyện; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề...
. Để làm được điều đó, việc đổi mới các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao hiệu quả đào tạo, tạo điều kiện để người dân được tham gia học nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ học vấn cũng như điều kiện kinh tế của mỗi người là yêu cầu cấp thiết. Cùng với đó, cần sự chung tay của các địa phương, các cơ sở dạy nghề cũng như các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và điều quan trọng chính là sự nỗ lực của mỗi người dân trong việc tìm hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình.