Điểm chuẩn dự kiến của trường Bách khoa, HV tài chính, GTVT, Xây dựng...
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội dự báo, điểm nhận hồ sơ vào trường sẽ cao hơn ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT và điểm chuẩn có thể cao hơn năm 2014.
Nhiều trường đã công bố kế hoạch điểm sàn, tiêu chí phụ để tuyển sinh và điểm chuẩn dự kiến. |
Nguyên nhân là tính chất đề thi năm nay khác kỳ thi "3 chung" năm trước. Riêng môn Toán, 10% đạt bài thi tại cụm Đại học Bách khoa Hà Nội đạt điểm 8 trở lên.
Đại học Y dược TP HCM dự kiến điểm chuẩn năm 2015 sẽ tương đương hoặc thấp hơn các năm trước do đề thi môn Hóa, Sinh quá dài và khó.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dự kiến điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường sẽ tương đương mức năm ngoái, từ 15 - 17 điểm.
PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng cho biết, qua kết quả điểm thi môn Vẽ Mỹ thuật của trường cho thấy, chất lượng các bài thi rất tốt, chủ yếu đạt điểm khá trở lên. Năm nay, điểm thi môn Vẽ mỹ thuật có phổ điểm khá cao, không có những điểm kém như các năm trước.
Theo TS Lê Tuấn Lộc, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, dựa trên tình hình thực tế, điểm chuẩn năm nay vào trường sẽ cao hơn các năm trước đây. Năm trước, điểm chuẩn vào trường dao động từ 18,5 – 22 điểm.
Học viện Tài chính thông báo ngưỡng điểm xét tuyển vào từng ngành của trường sẽ cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2 điểm. Trường cũng đưa ra tiêu chí phụ khi xét tuyển đại học.
Theo đó, đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Hệ thống thông tin, ưu tiên thí sinh có môn thi chính nhân hệ số 2 cao hơn. Những ngành có xét tuyển tổ hợp Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Anh, thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển. Sau đó, nếu vẫn còn chỉ tiêu, nhà trường sẽ xét người có điểm thi môn Lý cao hơn sẽ trúng tuyển.
Theo Đại Học Hà Nội, thí sinh có tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ của kỳ thi THPT quốc gia đạt 15 điểm trở lên được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Năm nay, trường sẽ xét tuyển nhiều đợt cho đến hết chỉ tiêu của từng ngành. Thí sinh có quyền đăng ký xét tuyển vào bất kỳ ngành học nào nếu còn chỉ tiêu theo nguyện vọng cá nhân.
Đại học Giao thông Vận tải cho biết, tuyển 3.500 chỉ tiêu cho 15 khoa, riêng khoa Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông chiếm hơn 1.000 chỉ tiêu.
Trong quá trình tuyển sinh, nếu thí sinh có kết quả thi 3 môn bằng nhau, trường sẽ ưu tiên xét tổng điểm môn Toán và Lý cao hơn; nếu vẫn bằng nhau sẽ ưu tiên xét điểm môn Toán cao hơn.
Đại học Dược Hà Nội công bố ngưỡng sàn nộp hồ sơ vào trường bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Trường hợp Hội đồng tuyển sinh nhà trường xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu, nhưng số thí sinh có cùng điểm xét tuyển cao hơn chỉ tiêu còn lại, Hội đồng tuyển sinh có thể thực hiện xét tuyển theo tiêu chí bổ sung.
Cụ thể, thí sinh có điểm thi THPT môn Hóa học cao hơn sẽ trúng tuyển. Sau khi xét điểm môn Hóa mà vẫn chưa xác định được điều kiện trúng tuyển, hội đồng tuyển sinh nhà trường tiếp tục xét đến điểm thi môn Toán.
Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội thông báo điểm trúng tuyển vào từng ngành phải cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2 điểm. Trường cũng bổ sung tiêu chí xét tuyển phụ.
Trong trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu và nếu lấy tăng lên 0,25 điểm thì số thí sinh trúng tuyển lại thiếu so với chỉ tiêu, trường sẽ xét riêng điểm từng môn thi phù hợp với ngành đăng ký xét tuyển (ví dụ, thí sinh xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh có điểm thi Tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển).
Đại học Mỏ - Địa chất thông báo tiêu chí phụ bao gồm cả yếu tố khu vực. Cụ thể, khi các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau sẽ xét ưu tiên đối tượng theo khu vực và điểm các môn xét tuyển.
Khác với những năm trước chỉ tuyển sinh khối A, năm 2015, trường mở rộng thêm các khổi A1, B, D, nhằm đáp ứng nguyện vọng và tăng thêm cơ hội cho thí sinh. Đặc biệt, năm 2015, Đại học Mỏ - Địa chất tuyển sinh thêm ngành Quản lý đất đai.
Đại học Công Nghiệp Hà Nội vừa thông báo đăng ký xét tuyển đại học. Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển là điểm tổ hợp môn xét tuyển của thí sinh không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định. Năm nay, nhà trường đưa ra chỉ tiêu dự kiến của hệ đại học chính quy là 6.700, tăng 1.200 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Trong khi có nhiều trường tăng chỉ tiêu thì Đại học Sư phạm TP HCM thông báo giảm chỉ tiêu ở các ngành sư phạm. Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, nhà trường sẽ điều chỉnh theo hướng cắt giảm 60 chỉ tiêu ngành sư phạm sang các ngành đào tạo ngoài sư phạm.
Đại học Công nghiệp TP HCM thông báo xét tuyển với điều kiện thí sinh có điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên diện chính sách) lớn hơn hoặc bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT. Năm nay dự kiến chỉ tiêu của trường là 7.200, giảm 800 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Xét tuyển học bạ
Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM thông báo xét tuyển theo 2 phương thức. Bên cạnh xét tuyển dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường áp dụng thêm hình thức xét tuyển học bạ (chỉ dành cho các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2015).
Ở phương thức xét tuyển theo học bạ, thí sinh phải đáp ứng 3 tiêu chí: Tốt nghiệp kỳ thi THPT hoặc tương đương. Hạnh kiểm xếp loại khá trở lên ở cả 3 năm học THPT. Tổng điểm trung bình 3 môn của 6 học kỳ THPT (thuộc tổ hợp môn xét tuyển theo từng ngành thí sinh đăng ký) phải đạt 18,00 điểm trở lên.
Học viện Ngân Hàng cũng thông báo dành 10% chỉ tiêu cho hình thức tuyển sinh dựa vào học bạ. Cụ thể, thí sinh là học sinh các trường phổ thông trung học chuyên quốc gia (một trong các môn toán, tin học, vật lý, hoá học, tiếng Anh) có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển (của Học viện Ngân hàng) trong 3 năm phổ thông trung học đạt từ 7 điểm trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp của Học viện Ngân hàng.
Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội cũng dành 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập 6 học kỳ THPT. Với điều kiện thí sinh đỗ tốt nghiệp, tổng điểm bình quân của ba môn (theo 4 tổ hợp môn thi: Toán – Lý – Hóa, Toán - Lý - Anh, Toán – Văn – Anh, Toán – Văn – Địa) phải đạt 18.0 điểm trở lên.
Đại học Nguyễn Tất Thành có phương thức tuyển sinh dựa vào học bạ cho 20 ngành bậc đại học thuộc các khối ngành như: Kinh tế quản trị, khối kỹ thuật công nghệ, khối xã hội nhân văn, khối sức khỏe và khối mỹ thuật ứng dụng.
Trường sẽ xét kết quả điểm tổng kết học bạ 3 năm THPT cho các ngành đào tạo đại học và cao đẳng, ngưỡng điểm tối thiểu xét từ 6.0 trở lên đối với trình độ Đại học và 5.5 đối với trình độ Cao đẳng.
Năm nay Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học bạ lớp 12. Công thức tính điểm xét tuyển theo đề án này phức tạp hơn nhiều trường khác, bao gồm cả điểm thi THPT.
Cụ thể: XT = TBTN + (TB1 + TB2 + TB3) + UT_KV + UT_ĐT
Trong đó:
XT là Điểm xét tuyển; TBTN là điểm trung bình 4 môn thi tốt nghiệp; TB1, TB2, TB3 lần lượt là điểm trung bình cả năm lớp 12 của tổ hợp 3 môn được dùng để xét tuyển; UT_KV, UT_ĐT là điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu có).
Năm nay nhà trường dành 25% tổng chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển này.
Nguồn Zing