Đi hàng trăm km để thi tốt nghiệp: Cách nào bớt khó cho học sinh?
Tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo cụm mang lại rất nhiều thuận lợi cho thí sinh thi ĐH, CĐ do không phải đi xa, đổ dồn về thành phố lớn để thi như trước. Nhưng với những học sinh chỉ có nguyện vọng tốt nghiệp THPT, có vẻ câu chuyện không đơn giản thế.
Với học sinh các trường THPT dân tộc bán trú, về Trung tâm tỉnh thi tốt nghiệp rất vất vả. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Bởi theo cô Ngọc Hà, giáo viên THPT Công nghiệp Hòa Bình, thì “chỉ thi tốt nghiệp thôi mà các em phải khăn gói quả mướp vượt rừng, núi hàng trăm cây số thì quá vất vả cho các em. Và tôi sợ nhiều em do không có điều kiện sẽ bỏ thi”.
Điển hình như Lai Châu, tỉnh miền núi biên giới có điểm trường xa nhất lên trung tâm huyện là 200km.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu Đỗ Văn Hán chia sẻ, với điều kiện của Lai Châu, chỉ thi tốt nghiệp trong tỉnh thôi học sinh đi lại cũng rất vất vả, khó khăn rồi. Thêm nữa, Trường THPT dân tộc bán trú của các tỉnh miền núi thực tế là trường nội trú. Hầu như các em ăn học tại trường chứ không về nhà, có khi cách tới 250 km. Vì vậy, nếu phải thi ở tỉnh khác thì sẽ còn khó khăn hơn nữa.
“Cá nhân tôi cho rằng nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi. Lai Châu sẽ làm trung thực và tốt”, ông Hán khẳng định.
Chung quan điểm này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Đặng Quang Ngàn cũng cho rằng tốt nhất nên tổ chức cho học sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp tại cụm thi tỉnh do Sở chủ trì. Còn những học sinh muốn tham gia thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì nên tham gia ứng thí tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
“Địa hình của Hòa Bình có đặc điểm là bị chia cắt. Khoảng cách từ điểm trường xa nhất đến Trung tâm tỉnh là 85 km. Nhưng khó khăn nhất là vượt taluy, ngầm để đi thi trong mùa mưa lũ. Có những năm chúng tôi phải điều xe tải gầm cao để đưa các cháu học sinh ở huyện Lạc Sơn đi thi cho kịp giờ do mưa lớn các em không qua được ngầm.
Dù tỉnh đã rất chủ động cố gắng hỗ trợ học sinh để các em đến điểm thi đúng giờ song trong kỳ thi tốt nghiệp 2014, các cháu học sinh ở Lương Sơn vẫn phải làm đề thi phụ do không đến kịp giờ”, ông Ngàn chia sẻ.
Theo quy định trong Dự thảo quy chế Kỳ thi THPT Quốc gia Bộ GD&ĐT vừa ban hành, đồng thời mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã khẳng định sẽ cho phép một số tỉnh đặc biệt khó khăn tổ chức kỳ thi quốc gia tại tỉnh thay vì ghép cụm với các địa phương khác.
Tuy nhiên, ngay cả khi cho phép tổ chức thi tại tỉnh thì việc vượt hàng chục, hàng trăm cây số để đi thi tốt nghiệp với các em học sinh vùng sâu vùng xa, trường THPT dân tộc bán trú vẫn là điều rất vất vả với chính các em và gia đình.
Theo ông Ngàn, con số chi phí thi tốt nghiệp 400.000 đồng/thí sinh mà Bộ đưa ra không đúng với tất cả các địa phương. Với những địa phương đi lại khó khăn thì chi phí ăn, ở, đi lại cho 4 ngày thi sẽ nhiều hơn thế. Chưa kể sẽ có nhiều gia đình có phụ huynh đưa con đi thi vì không yên tâm để con một mình ở nơi xa nhà trong 1 kỳ thi quan trọng như vậy.
Mặc dù Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có chia sẻ là sẽ sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm được từ tổ chức 2 kỳ thi sang 1 kỳ thi để hỗ trợ các em song việc sử dụng nguồn kinh phí này ra sao cũng không đơn giản do đặc thù khác nhau của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, mặc dù với cách thức tổ chức 1 kỳ thi THPT Quốc gia như năm nay, trách nhiệm chính sẽ thuộc về các trường ĐH, nhưng về phía Sở GD&ĐT cũng không hề nhẹ gánh.
Ngoài trách nhiệm hỗ trợ hậu cần cho việc tổ chức thi tại các điểm thi thì gánh nặng lớn nhất là lo chỗ ăn ở cho học sinh và người thân. Với 1 cụm thi dành cho 30.000-40.000 thí sinh cộng với chừng ấy người thân đi kèm cùng đổ về thì để đảm bảo đủ chỗ ở, an toàn vệ sinh, an ninh trật tự là một khối lượng công việc lớn. Với những địa phương đã quen với việc tổ chức kỳ thi lớn như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng… thì hạ tầng dịch vụ đã có sẵn. Nhưng với những địa phương nông thôn, miền núi thì thực là bài toán khó.
Với 8 môn thi rải đều trong 4 ngày, những học sinh chỉ thi tốt nghiệp sẽ phải chờ đợi để hoàn thành kỳ thi của mình nếu môn thi đó nằm ở ngày đầu và ngày cuối. Đặc biệt, những địa phương lựa chọn môn thi thay thế cho Ngoại ngữ lại thường là những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa.
Do vậy, với những học sinh chỉ có nguyện vọng đi thi để tốt nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức cụm thi tốt nghiệp tại huyện, tỉnh và Sở GD&ĐT địa phương sẽ chủ trì cụm thi này. Như vậy chỉ khác về địa điểm còn cụm thi dành riêng cho mục tiêu tốt nghiệp THPT vẫn tổ chức thi trong cùng 1 đợt, sử dụng cùng 1 đề thi, chấm thi chung với các thí sinh ở cụm thi ĐH, CĐ.
Như vậy vẫn đảm bảo mục tiêu là 1 kỳ thi quốc gia duy nhất nhưng lại giảm bớt được khó khăn cho thí sinh và người nhà.
Còn nhớ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói "việc gì khó cho ngành giáo dục mà có lợi cho học sinh thì cố gắng làm", dự thảo quy chế đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 khiến cho một số lượng không nhỏ học sinh bớt khó khăn hơn là điều mà Bộ GD&ĐT cần cân nhắc, xem xét.
Nguồn Chinhphu.vn