Bà bầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 bị sốt có nguy hiểm, cần làm gì nếu sốt trên 38 độ C?
"Bà bầu không nên uống nước lá tía tô sau tiêm vắc xin Covid-19 nếu như chưa có hướng dẫn của bác sĩ đông y", Bác sĩ sản khoa Tú Anh khuyến cáo.
Bà bầu được tiêm phòng tại BV Thanh Nhàn |
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương đã tiến hành triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ có thai từ 13 tuần tuổi.
Đặc biệt tại Hà Nội, việc tiêm chủng vắc xin cho bà bầu được triển khai rộng khắp từ hơn một tuần nay. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội chỉ định các bệnh viện có chuyên khoa sản sẽ thực hiện tiêm cho thai phụ tại địa bàn hoặc tiêm tại điểm tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng toàn thành phố.
Tuy nhiên, nhiều bà bầu tỏ ra lo lắng khi tiêm xong bị sốt. Điều này có ảnh hưởng tới em bé hay không? Để dự phòng tình huống này, nhiều chị em cũng mách nhau uống nước lá tía tô sau tiêm để không bị sốt.
Chị Nguyễn L. H. ( Hai Bà Trưng) cho biết, chị đi tiêm theo danh sách phường gửi đến bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện tiêm. Trước khi tiêm chị cũng được khám sàng lọc (đo huyết áp, siêu âm…) sau khi đủ điều kiện thì được tiêm.
“Chi phí cho khám sàng lọc hết hơn 200.000 đồng, còn vắc xin là miễn phí. Dù các bác sĩ đã tư vấn các chăm sóc, theo dõi sức khoẻ sau tiêm nhưng vẫn hồi hộp lắm. Mẹ chồng em sáng nay đã nấu sẵn một nồi nước tía tô bảo uống trước và sau khi tiêm về để đỡ sốt. Chẳng biết điều này có đúng không nhưng em nghĩ lá tía tô mình vẫn ăn sống hàng ngày được nên chắc cũng không ảnh hưởng gì tới em bé. Nên em uống kha khá rồi”, chị H. cười cho biết.
Lý giải những băn khoăn của sản phụ với phóng viên Infonet, BS Tú Anh, bác sĩ điều trị tại Khoa sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết “nếu thai phụ bị sốt sẽ ảnh hưởng đến thai nhi”.
Lý giải điều này, BS Tú Anh cho biết nếu nhiệt độ của mẹ tăng lên 1 độ C thì tim thai của em bé tăng lên 10 chu kỳ/1 phút.
“Do đó, việc bà bầu bị sốt đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến chính mẹ, thứ hai ảnh hưởng đến thai nhi sẽ làm tim thai của em bé tăng kèm theo đó một số diễn biến về trao đổi chất trong quá trình mang thai của mẹ sẽ gặp nguy hiểm”, BS Tú Anh cho hay.
Theo bác sĩ sản khoa này, mỗi một sản phụ khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên đã được tư vấn cách theo dõi, cách xử trí kèm theo nữa là phát tờ hướng dẫn kèm theo số điện thoại của bác sĩ và nhân viên y tế trực 24/24h. Nếu gặp bất thường sản phụ sẽ gọi theo các số để được hướng dẫn. Trong trường hợp mà triệu chứng nặng nề thì có thể đến viện để xử trí.
Ông cũng nhấn mạnh, hiện vắc xin Pfizer được sử dụng tiêm cho bà bầu. Đây là loại vắc xin lành tính, thống kê ở mũi thứ 2 có sốt nhẹ còn mũi đầu tiên không có.
“Nhưng thông thường nếu sốt trên 37,5 cho đến 38 độ thì sản phụ có thể ở nhà ăn cháo thịt băm, ăn đồ nóng kèm theo thuốc hạ sốt (paracetamol) lưu ý uống theo liều lượng quy định của thuốc dựa trên cân nặng của sản phụ.
Nếu sốt trên 38 độ kèm theo mệt thì sản phụ nên đến viện để được theo dõi tại viện, chăm sóc kịp thời. Như thế sẽ an toàn hơn”, BS Tú Anh khuyến cáo.
Với việc uống lá tía tô phòng sốt sau tiêm nói chung và bà bầu nói riêng, BS Tú Anh thông tin trong đông y lá tía tô chữa cảm mạo, phong hàn, hạ sốt… Cũng có tài liệu thống kê về tác dụng của loại lá này.
Tuy nhiên đối với bà bầu, hạn chế dùng thảo dược. Thứ hai không nên dùng phương thuốc đông y một cách tuỳ tiện mà không có hướng dẫn của bác sĩ đông y, sẽ không tốt cho bệnh nhân.
Do đó, BS Tú Anh khuyến cáo bà bầu không nên uống nước lá tía tô nhằm hạ sốt sau tiêm nếu như chưa có hướng dẫn của bác sĩ đông y. Thay vào đó khi đi tiêm về bà bầu nên uống nhiều nước (các loại nước ép hoa quả, sinh tố, nước dừa), chỉ uống orezol khi bị sốt.
N. Huyền