ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo sinh viên trở thành “công dân toàn cầu"
Tham dự sự kiện có ông Lê Như Tiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng nhà trường, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan của Bộ công thương, Tập đoàn dệt may Việt Nam.
Khung cảnh buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sau 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đại học Nguyễn Tất Thành đã có 15 khoa với hơn 39 chuyên ngành, cùng đội ngũ giảng viên, công nhân viên gần 2000 người, và hơn 25.000 sinh viên. Đây là một trong những cơ sở vững chắc để nhà trường thực hiện mục tiêu đưa Đại học Nguyễn Tất Thành trở thành một trong 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam trong 10 năm tới.
Cũng theo TS Hùng, trong quá trình hoạt động, Đại học Nguyễn Tất Thành luôn kiên trì đổi mới giáo dục, nhằm thực hiện mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa 9) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Với tinh thần tôn sư trọng đạo, nhà trường đã đề ra nhiều chính sách thu hút người tài về công tác. Với sinh viên nhà trường luôn đề cao triết lý đào tạo “thực học, thực hành, thực danh,thực nghiệp”. Điều này giúp các em nâng cao giá trị bản thân với gia đình, xã hội, đất nước và phấn đấu trở thành “công dân toàn cầu”” – Tiến sĩ Hùng nói.
Vị hiệu trưởng cho biết, hiện Đại học Nguyễn Tất Thành đang được được định vị theo mô hình một đại học khoa học ứng dụng. Bên cạnh đó trường cũng đang xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận quốc tế ở cả chương trình học và giảng viên.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ. |
“Đại học Nguyễn Tất Thành đi lên từ doanh nghiệp nên ngoài việc đào tạo kiến thức, nghiên cứu khoa học, trường còn hướng đến kỹ năng nghề nghiệp, và đảm bảo sinh viên khi ra trường sẽ có được năng suất lao động tốt, tạo được ấn tượng với bạn bè và các nhà đầu tư quốc tế”. – Tiến sĩ Hùng khẳng định.
Từ một doanh nhân trở thành nhà quản lý giáo dục
Xuất phát từ một sinh viên của trường năng lượng Leningrat (Liên Xô cũ), ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trở thành Tổng giám đốc Công ty Công ty dệt may Sài Gòn và Hiệu trưởng của một trường đại học. Đó là một cuộc hành trình dài với không ít những chông gai, thử thách mà ông phải căng sức vượt qua.
Là người đứng đầu ngôi trường đại học được vinh dự mang tên Nguyễn Tất Thành, ông Nguyễn Mạnh Hùng luôn ghi nhớ trong tâm khảm mong muốn “Non sông Việt Nam sánh vai được với các cường quốc Năm châu” của Bác Hồ. Và đây cũng là mục tiêu, lý tưởng mà ông hướng đến suốt thời gian phát triển ngôi trường trong 15 năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ông Nguyễn Mạnh Hùng (áo vest xám) trong một lần đi viếng các Vua Hùng tại Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, quận 9, TP.HCM. |
Để cụ thể hóa điều này, bằng chính sách thu hút nhân tài và các nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã tập hợp về Đại học Nguyễn Tất Thành một đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề. Qua quá trình giảng dạy, làm việc những giá trị xuất sắc của tập thể này đang ngày càng được thể hiện trong một môi trường hiện đại, năng động.
Từ một Trung tâm đào tạo với 2 phòng học lý thuyết vào năm 1999, đến nay trường đã có 500 phòng học lý thuyết và thực hành với số vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Hiện nay Trường cũng đã có 8 cơ sở tại 3 quận ở TP.HCM.
Đặc biệt vào tháng 6 vừa qua Trường đã khởi động dự án “Trung tâm phát triển kỹ thuật cao Đại học Nguyễn Tất Thành” tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng trên diện tích 45.000 mét vuông, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu về công nghệ sinh học – y – dược, công nghệ thông tin, viễn thông, năng lượng…mang tầm cỡ khu vực.
Xuất phát là lãnh đạo của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng thấu hiểu hơn ai hết những bất cập trong chương trình giảng dạy, cũng như điều doanh nghiệp thật sự cần ở những người kỹ sư, công nhân của mình.
Do đó trong quá trình xây dựng ngôi trường, ông luôn nhấn mạnh đến việc đào tạo các kỹ năng của một người thợ lành nghề, bên cạnh việc nghiên cứu, lý thuyết. “Nhà trường phải đào tạo được những sinh viên đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong nước, và xa hơn nữa là của thế giới” – ông chia sẻ.
Bên cạnh đó ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cập đến sự cần thiết của mối liên hệ giữa 4 nhà bao gồm: Nhà trường; Nhà doanh nghiệp; Nhà nghiên cứu; Nhà quản lý, ông cho rằng đây là một “chuỗi liên kết” không thể tách rời, rất quan trọng cả với lao động và người sử dụng lao động. Vì thế chương trình đào tạo của Đại học Nguyễn Tất Thành luôn hướng tới việc thiết lập và duy trì những mối quan hệ này. Và thực tế trong những năm qua đây luôn là một trong những thế mạnh vượt trội của trường.
Có thể nói trong 15 năm qua ông Nguyễn Mạnh Hùng đã gầy dựng và cùng tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên đưa ngôi trường này lên một tầm cao mới. Trong thời gian tới nhiệm vụ chắc hẳn sẽ còn rất nặng nề với những mục tiêu lớn, dài hạn, tuy nhiên Đại học Nguyễn Tất Thành đang có trong tay một cơ sở vững chắc về cả nhân lực và vật lực để chinh phục những thử thách này và khẳng định vị thế của mình.