Dệt may Việt dần chiễm lĩnh thị trường
Thay đổi để thích nghi
Từ năm 2011 đến nay, do sức mua giảm mạnh nên mức tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp (DN) dệt may giảm từ khoảng 20% trước đây xuống chỉ còn khoảng 10-15%. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vẫn đạt mức tăng 15-20%, với doanh thu cả năm 2012 ước khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Đứng trước áp lực cạnh tranh từ hàng Trung Quốc có giá rẻ, rồi sức mua của người dân giảm mạnh, các DN dệt may trong nước đã có sự điều chỉnh khi đầu tư thỏa đáng cho phân khúc thị trường trung bình và bước đầu đã thu được kết quả khá khả quan.
Theo nhiều DN, hàng dệt may ở phân khúc thị trường trung bình vẫn duy trì được đà tăng trưởng, cho dù không còn ở mức cao như trước đây.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang (Đức Giang) cho biết: “Năm nay chúng tôi tập trung đẩy mạnh tiêu thụ hàng dệt may ở thị trường trong nước và đạt mức tăng trưởng tương đối khá so với năm 2011. Hiện Đức Giang có hai mặt hàng bán chạy là đồng phục, bảo hộ lao động và sản phẩm thời trang. Theo kế hoạch, hàng thời trang sẽ tăng trưởng mạnh nhưng không đạt được mục tiêu, đồng phục và bảo hộ lao động bán chạy hơn, doanh thu tăng cao. Đạt được kết quả này là do Đức Giang mạnh dạn xây dựng lại bộ nhận diện thương hiệu, quy chế quản lý thương hiệu, đẩy mạnh khâu thiết kế, mở rộng hệ thống bán hàng cho các siêu thị như: Metro, BigC, Vinatexmart, Vietmart; thực hiện đưa hàng vào chợ truyền thống...”.
Dần chiếm lĩnh thị trường
Trước đây, hàng dệt may Trung Quốc có giá rẻ “làm mưa, làm gió” tại các chợ truyền thống thì nay đã có sự đảo chiều khi hàng dệt may trong nước từng bước chen chân và đã chiếm được thị phần lớn, đánh bật hàng Trung Quốc.
Theo ông Hoàng Vệ Dũng, để hàng dệt may Việt Nam vào được chợ truyền thống, DN đã có những biện pháp linh hoạt hơn trong giao dịch với tiểu thương; bám sát nhu cầu thị trường hơn; bán giá hợp lý để thanh toán tiền ngay hoặc theo quy định; có cơ chế theo dõi tại chợ; bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng…
Ông Nguyễn Văn Thời, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG (Thái Nguyên) tự tin cho hay, thế mạnh của công ty là áo jaket và quần âu, nhắm vào đại đa số người tiêu dùng, người nghèo. Áo đẹp nhất mới có giá khoảng 450 ngàn đồng/chiếc, còn bình thường từ 250 - 350 ngàn đồng/chiếc, mức giá này đủ để cạnh tranh với hàng Trung Quốc.