Đến TP.HCM, thưởng thức thú uống cà phê "mang đi"
Cà phê “mang đi” tràn ngập Sài Gòn
Chỉ riêng con đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7, TP.HCM) đã có 5-8 quán “cà phê mang đi”, “cà phê rang – xay”, “cà phê nguyên chất 100%”, “cà phê siêu sạch”…. Loại hình kinh doanh cà phê mới này đã xuất hiện ở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM.
Đường Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Nghi (thuộc quận Gò Vấp), đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, CMT8… là những nơi xuất hiện ngày càng nhiều các quán cóc, hoặc ki-ốt bán cà phê mang đi.
Ngoài ra, kiểu cà phê này còn được phổ biến với hình ảnh các nhân viên sử dụng xe đạp, hoặc xe gắn máy có trang bị máy rang-xay cà phê, bình đun nước và các dụng cụ pha chế… để đảm bảo cà phê được cung cấp tận tay người đi đường.
Cảnh tượng thường gặp trên đường phố Sài Gòn |
Thiết kế của những quán cà phê mang đi thường nhỏ, gọn, có sự phá cách độc đáo khiến người đi đường có cảm giác muốn sà vào ngồi như là ngồi nghỉ chân bên đường.
Tại các điểm bán cà phê mang đi, nhân viên bán hàng sẽ tự tay rang, xay, và pha chế cà phê để khách hàng tận mắt chứng kiến. Đặc trưng của loại cà phê này là có màu nâu chứ không phải là màu đen kịt, có vị nhạt, không đặc sánh, có mùi hương thoang thoảng, vị cà phê còn lưu lại mùi hơi khét. Bởi những tính đó mà chỉ có những người “nghiện” và “sành” về thứ nước uống này thường tìm tới.
Quá trình pha chế loại cà phê này mất không quá 5 phút. Điều này đáp ứng được nhu cầu uống cà phê của những người bận rộn, không có thời gian nhâm nhi cà phê trong quán, có thể mua cà phê trên đường đến nơi làm việc. Các xe cà phê mang đi thường xuất hiện gần trạm đèn giao thông, người mua có nhu cầu sẽ được đưa tận tay trong lúc dừng đợi đèn đỏ.
Các quán cà phê mang đi thường có không gian nhỏ, gọn |
Giá rẻ là một trong những đặc điểm để loại cà phê này có thể “hút khách”. Mỗi phần cà phê mang đi ở các quán cóc vỉa hè hoặc ở các xe di động có giá dao động từ 8.000 – 15.000 ngàn đồng. Với cà phê mang đi đã có thương hiệu như Passio, Urban Station, Cino Corner, R4, Milano…thì giá cả có thể lên 25.000 – 35.000 đồng/ly. Những quán cà phê này thường là địa điểm lý thú thu hút nhiều bạn trẻ gặp gỡ, hội hè.
Cà phê "mang đi" sạch đến cỡ nào?
Bất chấp những thông tin về cà phê “bẩn”, cà phê trộn lẫn hóa chất, tạp chất như bơ, bắp, đậu xanh, đậu nành rang cháy xay nhuyễn, hạt cau rang (tăng đắng), caramel, chất ký ninh, xanthangum (tạo độ sánh sệt), dung dịch hương nhân tạo: chất cầm hương gelatin, muối, đường, rượu, nước mắm nhĩ (tăng mùi)…người Sài Gòn vẫn khó có thể bỏ thói quen uống cà phê của mình.
Chính vì vậy, loại hình cà phê mang đi ở TP.HCM, mà vẫn được gọi là “cà phê siêu sạch”, “cà phê nguyên chất 100%” đánh vào tâm lý "tận mắt chứng kiến" quy trình chế biến cà phê của người tiêu dùng.
Một ly cà phê mang đi như trên có giá 10.000 đồng |
Được giới thiệu là cà phê tự rang xay ở các vùng Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông…, vì không đủ vốn để mở cửa hàng nên chủ quán mang đi bán dạo. Loại hình cà phê mang đi nhanh chóng lấy lòng người tiêu dùng bằng uy tín “của nhà”. Tuy vậy, những loại cà phê này, mức độ sạch, nguyên chất đến đâu thì vẫn ít người rõ.
Cho đến nay vẫn chưa ai đứng ra kiểm soát việc liệu những chủ quán cà phê dạo có trộn thêm hóa chất vào sản phẩm hay không. Nhiều quán nói là sạch, là nguyên chất nhưng mức độ sạch, nguyên chất như thế nào thì khó mà kiểm chứng.
“Cà phê mang đi đúng là tiện lợi, nhanh gọn. Tuy nhiên thói quen và cũng là sở thích nhâm nhi ly cà phê đậm đà, thơm ngon trong quán quen vẫn khó có thể từ bỏ”, anh Lê Trần Phong (Quận 3, TP.HCM) chia sẻ.
Trào lưu sử dụng cà phê mang đi mới chỉ dừng lại ở mức làm thỏa mãn sự tò mò, muốn khám phá của giới trẻ chứ chưa thể thay thế được cà phê truyền thống. Tuy nhiên, với sự phát triển của loại hình kinh doanh cà phê này, người uống cà phê đã có thêm một sự lựa chọn cho những ngày bận rộn.