Đề xuất đưa chữ Hán, chữ Nôm vào dạy trong nhà trường: Không cần thiết?
Tờ Vietnamnet đưa tin, trong Phát biểu tại Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại diễn ra hôm 27/8, PGS. TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho rằng, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán.
Từ bỏ chữ Hán cũng là lý do khiến thanh niên Việt Nam học hành hời hợt, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước và nước ta nghèo nhất, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc.
Ông Giang dẫn ví dụ, ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này.
Ông Giang cũng cho biết, nghiên cứu của một trung tâm nơi ông được mời dạy chữ Hán Nôm cho học sinh tiểu học cho thấy, những học sinh được học chữ Hán Nôm hình thành và phát triển nhân cách tốt hơn những học sinh khác không được học.
"Trước đây chúng ta cứ nói rằng không dùng chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng hiện nay phải nói ngược lại, phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" - ông Giang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm TS Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng khẳng định cần phải dạy chữ Hán Nôm sớm cho trẻ.
"Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ khi còn rất nhỏ, các các em đã đối mặt với việc phải nhận thức chữ nào là chữ Hán, chữ nào là âm Hán - Việt. Vì vậy, nếu đã không hiểu từ cái gốc rồi thì sau này lớn lên học rất là khó" - bà Lan nhận định.
Ý kiến của PGS. TS Đoàn Lê Giang và TS Nguyễn Tô Lan đã gây ra nhiều dư luận trái chiều nhất. Chị Quách Hải Đào (phụ huynh trường THCS Văn Điển – Hà Nội) cho hay: “Hiện nay hai con tôi, một đứa tiểu học và đưa THCS từ đầu tuần tới cuối tuần lịch học đều kín hết. Như chương trình hiện nay đã giảm tải rất nhiều mà các cháu còn học không có thời gian nghỉ ngơi.
Thiết nghĩ, quỹ thời gian của các cháu có hạn, ngoài việc học các cháu cũng cần có thời gian vui chơi, giải trí. Chúng ta nên ưu tiên cho những môn học thực sự cần thiết. Về vấn đề vốn từ thì ngay từ bé các cháu đã được tiếp xúc với các từ Hán – Việt, hiểu được những từ cơ bản. Sau này, lớn lên sẽ tích lũy dần.
Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta hội nhập với nền kinh tế thế giới, chúng ta nên dành thời gian cho các con học Tiếng Anh nhiều hơn thay vì học chữ Hán và chữ Nôm.
Là người hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ nên tôi biết chữ Hán và chữ Nôm khá khó, quá sức nếu chúng ta áp dụng cho học sinh THCS và tiểu học. Nếu có thì nên nghiên cứu xem ở bậc ĐH những ngành nào nên học”.
Trái với quan điểm trên, anh Hoàng Tiến Minh (phụ huynh trường THCS Trương Vương) cho hay: “Nên đưa chữ Hán và chữ Nôm vào giảng dạy trong nhà trường sớm hơn. Hiện nay đa phần học sinh mà nhất là học sinh thành phố không có vốn từ. Ngay cả những từ đơn giản cũng không giải thích được nghĩa.
Điều đó dẫn đến hệ quả là khi viết Văn các cháu không biết viết làm sao mà toàn chép văn mẫu rồi học thuộc. Thấy vốn từ của các cháu hiện nay đang ở mức báo động mà rất lo lắng. Muốn học gì thì học nhưng đầu tiên cần phải thông thạo ngôn ngữ trước”.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc cho hay: “Để dùng từ đúng, người Việt Nam cần hiểu nghĩa các từ Hán Việt, nhưng không nhất thiết phải biết chữ Hán và chữ Nôm.
Ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được tiếp xúc và được dạy các từ Hán Việt cơ bản. Khi học hết chương trình phổ thông, các em đã tích lũy được một vốn từ Hán Việt khá lớn. Vì vậy, việc dạy chữ Hán và chữ Nôm trong trường học theo đề xuất của một số chuyên gia đề xuất là điều không thực sự cần thiết và cũng khó thực hiện.
Hơn nữa, chương trình phổ thông hiện nay của chúng ta cũng đã khá nặng. Nếu đưa vào dạy chữ Hán và chữ Nôm nữa sẽ tạo áp lực rất lớn cho học sinh.
Hiện nay, các học sinh ở vùng biên giới Việt – Trung có thể học tiếng Hán (nhiều người gọi là tiếng Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu giao tiếp, giao thương. Còn phần lớn học sinh hiện nay đều nên học tiếng Anh”.