Đề Văn vào 10 gây "sốc": Trao cho học sinh quyền tự giáo dục
Trao đổi với PV Infonet, cô giáo Ngọc Phương (trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam) cho rằng đây là một đề thi có nội dung tốt, cách thể hiện mới mẻ, yêu cầu tính tích cực chủ động của học sinh và đưa các em xa dần lối học khuôn sáo.
"Đề thi tuyển sinh lớp 10 của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là một đề thi hay, đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cũng như kiểm tra được nhận thức xã hội, khả năng vận dụng sáng tạo hiểu biết xã hội vào bài làm của học sinh”, cô Phương đánh giá.
Theo cô Phương, phần nghị luận văn học liên quan đến một tác phẩm về tình cảm với lãnh tụ, từ đó gợi nghĩ đến nghĩa tình Bắc Nam, niềm hạnh phúc hòa bình thống nhất. Cách hỏi nhẹ nhàng, nhưng cũng đòi hỏi học sinh phải hiểu kĩ văn bản. Câu cuối hỏi về tác phẩm Nói với con về tình gia đình, tình quê hương, ý thức trách nhiệm của mỗi con người với việc duy trì, phát huy truyền thống dân tộc. Nội dung câu hỏi cơ bản, đảm bảo sự "an toàn" cho học sinh.
Ngoài ra, cô Ngọc Phương cũng cho rằng phần nghị luận xã hội thực sự là một bất ngờ thú vị cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Đoạn trích lời danh nhân Lê Thánh Tông có thể khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền. Ngôn từ đoạn trích giàu màu sắc cổ điển, uy nghi nhưng vẫn gần gũi với học trò bởi tình cảm tha thiết với quốc gia và thông điệp có giá trị vĩnh hằng.
“Đó là một ngữ liệu tốt để khơi dậy trong các em học sinh tình yêu Tổ quốc, ý thức trân trọng, giữ gìn từng tấc đất tổ tiên để lại. Yêu cầu của câu hỏi ngắn gọn nhưng ngữ liệu giàu giá trị và cảm xúc mà nó gợi ra là một "điểm cộng" cho đề văn này”, cô Phương chia sẻ.
Nói về điểm ấn tượng của đề thi, cô Phương phân tích: “Thú vị nhất là câu nghị luận xã hội 3 điểm. Người ra đề đặt ra 3 vấn đề được cảnh báo để học sinh có thể “rộng đường” lựa chọn. Phần dẫn dắt cụ thể, có con số thống kê, đặc biệt phần tranh vẽ minh họa thay cho lời dẫn dắt là một sáng tạo đột phá. Cách làm này tác động vào trực quan học sinh, kích thích cảm xúc và suy nghĩ của các em.
Các vấn đề nghị luận được đề cập đều là những vấn đề xã hội bức thiết, liên quan trực tiếp đến lứa tuổi học sinh gắn với quá trình hình thành nhân cách công dân của các em. Nếu coi mỗi đề thi không chỉ là một dịp kiểm tra kiến thức, kĩ năng học sinh mà còn là một cơ hội giáo dục, một cơ hội định hướng xã hội tích cực thì đề thi này đã làm tốt nhiệm vụ đó”.
Theo cô Ngọc Phương, điều khiến cô tâm đắc là đề thi đã trao cho học sinh cả thách thức, cả quyền lựa chọn và cả cơ hội thể hiện ý kiến về những vấn đề của xã hội hiện đại. Đó chính là trao cho các em quyền tự giáo dục.
Dưới đây là những câu hỏi khiến nhiều nhiều người phải tranh luận:
Câu 2(1 điểm): “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. (Lời của vua Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư).
Chỉ ra phép liên kết câu chủ yếu trong đoạn trích trên.
Dựa vào nội dung đoạn trích, viết một câu văn trình bày quan điểm của mình về chủ quyền đất nước, bắt đầu bằng: Trường Sa, Hoàng Sa...”.
Câu 3(3 điểm): “- GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP.HCM), đã công bố kết quả cuộc điều tra xã hội cho thấy: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%”. Cảnh báo về tình trạng nói dối ở học sinh, sinh viên hiện nay.
- Kẹt xe là không tránh khỏi. Vậy thì hãy nghĩ xem nếu mọi người ai cũng đi đúng làn đường, chờ đèn xanh một chút, cũng tắt máy (nếu kẹt xe cứng ngắc, chỉ có thể nhích từng chút một), không bấm còi xe (vì có bấm cũng vậy, người phía trước cũng có nhúc nhích tránh đường cho mình được đâu), không càu nhàu, chửi bới... (Trích báo Thanh Niên, Chủ nhật 22-6-2014). Cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông.
- Nhìn vào hình sau. Một cảnh báo về lối sống vô cảm.
Viết một bài văn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về một trong ba cảnh báo trên”.