Đề thi vào lớp 10 môn Văn: Giải quyết 2 dạng bài nghị luận xã hội thường gặp
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lí là hai dạng bài quan trọng mà học sinh lớp 9 cần đặc biệt lưu ý khi ôn thi vào lớp 10 môn Văn.
Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại TP.HCM
Sáng nay 16/7, hơn 82.300 thí sinh tại TP Hồ Chí Minh đã bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2020 - 2020 với môn thi đầu tiên là Ngữ Văn, thời gian làm bài 120 phút.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra gợi ý cách xử lí các dạng bài nghị luận xã hội thường gặp trong đề thi vào lớp 10 môn Văn, giúp học sinh ôn thi vào lớp 10 đạt điểm cao.
Kĩ năng làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống là bàn luận, trình bày quan điểm về một hiện tượng xảy ra trong thực tế, thu hút sự quan tâm của nhiều người như nếp sống văn minh đô thị, nghiện mạng xã hội, cuồng thần tượng...
Đó có thể là hiện tượng tốt hoặc xấu nhưng dù đề bài ra theo hướng nào thì khi viết đều phải triển khai được 4 luận điểm chính:
Luận điểm 1: Giải thích hiện tượng đời sống, làm rõ các khái niệm trong đề bài.
Luận điểm 2: Nêu thực trạng hiện tượng đang diễn ra trong thực tế. Ảnh hưởng ra sao đối với đời sống xã hội?
Luận điểm 3: Lí giải nguyên nhân của hiện tượng, tác hại hoặc vai trò của hiện tượng đối với đời sống con người.
Luận điểm 4: Đề xuất giải pháp, liên hệ thực tế bản thân.
Ví dụ: Viết đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay (Đề thi Văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2015).
- Luận điểm 1: Giải thích: Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu giữ trong lịch sử.
- Luận điểm 2: Biểu hiện của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:
+ Tiếp nối, phát huy những phong tục văn hóa tốt đẹp trong đời sống.
+ Quảng bá, tuyên truyền văn hóa trên thế giới.
- Luận điểm 3: Vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: Đề cao tinh thần dân tộc, tự tôn, lòng yêu nước.
- Luận điểm 4: Đề xuất giải pháp/liên hệ thực tế: Tiếp tục giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc; giao lưu, chia sẻ những nét đẹp ấy đến với bạn bè quốc tế.
Lưu ý, đối với hiện tượng tích cực, học sinh cần làm rõ tác dụng, ý nghĩa của nó với thực tiễn cuộc sống; đồng thời phê phán những hiện tượng trái ngược; đề xuất giải pháp nhân rộng hiện tượng và bài học liên hệ. Đối với hiện tượng tiêu cực thì phải phân tích được tác hại, hậu quả cũng như đề xuất phương án khắc phục hiện tượng.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn |
Kĩ năng làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là bàn luận vấn đề thuộc đạo đức, lối sống, nhân cách con người và ứng xử trong xã hội như đức tính khiêm tốn, tinh thần lạc quan, tấm gương vượt khó... (tích cực) hay lối sống ích kỉ hưởng thụ, bệnh vô cảm, sự dối trá... (tiêu cực).
Dù đề bài yêu cầu nghị luận về vấn đề tích cực hay tiêu cực, viết đoạn văn hay bài văn thì bài viết vẫn phải đầy đủ 3 luận điểm sau:
Luận điểm 1: Giải thích các khái niệm, quan niệm, khái quát vấn đề cần nghị luận là gì.
Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về vấn đề tư tưởng đạo lí.
Luận điểm 3: Phản đề, bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Ví dụ: Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải mang khát vọng được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, như bông hoa tỏa sắc hương. Trong bài thơ Một khúc ca xuân, Tố Hữu cũng đã viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hãy trình bày ý kiến của em về quan niệm sống trong câu thơ trên của Tố Hữu bằng một bài văn.
- Luận điểm 1: Giải thích, đánh giá:
+ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”: Biết cho đi yêu thương, sống tận tâm, quan tâm những người xung quanh, có trách nhiệm với chính mình và người khác.
+ Giữa “cho” và “nhận” luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau. Muốn nhận được điều tốt đẹp ta phải biết “cho” đi những điều tốt đẹp.
- Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về vấn đề tư tưởng đạo lí.
+ Biểu hiện của sự cho đi: Chúng ta có thể "cho" đi về vật chất hoặc sẻ chia về mặt tinh thần.
+ Tác dụng của việc cho đi: Cuộc sống trở nên vui vẻ, ý nghĩa; nhận được tình cảm yêu thương, sự kính trọng từ mọi người...
+ Kết hợp hài hòa giữa "cho" và "nhận".
+ Nêu một số tấm gương của việc cho và nhận: Hồ Chí Minh, Bill Gates...
- Luận điểm 3: Phản đề, bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
+ Lối sống vô cảm, sống chỉ biết “nhận” chứ không hề “cho” - “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” đáng phê phán.
+ "Cho" đi đúng lúc, đúng mức, không nên mù quáng.
+ Bài học trong cuộc sống: biết yêu thương, trân trọng cuộc sống.
Ngoài ra khi viết dạng văn nghị luận xã hội học sinh cần lưu ý xác định đúng yêu cầu của đề bài, thực hiện đúng phương pháp và chọn lựa đúng kiến thức cần huy động. Đặc biệt dẫn chứng sử dụng trong bài viết phải có sự chọn lọc, vừa đủ và thuyết phục người đọc. Cùng với đó lập luận phải sắc sảo, chặt chẽ và thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của người viết.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ thêm: “Trước khi bắt tay vào viết bài, các em nên dành thời gian tìm hiểu đề, lập dàn ý theo các thao tác nghị luận mà cô đã hướng dẫn để bài viết đúng hướng và đủ ý. Đặc biệt, phải thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội, tin tức thời sự để đưa dẫn chứng thực tế vào bài viết, kết hợp lí lẽ chặt chẽ và dẫn chứng thuyết phục thì cô tin bài làm của các em sẽ đạt điểm cao”.
Ôn thi vào 10 môn Toán: Bí quyết giành điểm phần Hàm số và Đồ thị hàm số
Để giành trọn điểm phần Hàm số và Đồ thị Hàm số trong đề thi Toán vào lớp 10, học sinh cần nắm chắc hệ thống kiến thức và phương pháp giải của từng dạng bài.
Hoàng Thanh