Đề thi Ngữ văn trường chuyên “đánh đố” học sinh
Đề thi có 2 câu hỏi, một câu 3 điểm và một câu 7 điểm. Nguyên văn câu hỏi 3 điểm được đánh giá là quá rắc rối như sau: “Patrick Hayden, Giáo sư trường Đại học Stanford, Hoa Kỳ đã nói: “Công dân môi trường toàn cầu có thể được xem như một thành tố của một quan niệm bao trùm hơn mang tinh thần thế giới về công dân toàn cầu… Công dân môi trường toàn cầu quan tâm đến những điều tốt chung cho cộng đồng nhân loại và có những sự nhấn mạnh cụ thể vào thực tế tất cả chúng ta đều là các công dân vừa thuộc về những môi trường địa phương đồng thời vừa thuộc về môi trường toàn cầu duy nhất” (trích trong bài Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, Karen Thornber, Trần Ngọc Hiểu dịch).
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm trên”.
Cô Trương Ngọc Bích, nguyên giáo viên văn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) đánh giá, câu hỏi này quá sức đối với học sinh lớp 9, dù là học sinh thi trường chuyên. Cô nhận xét: “Người ra đề đã chọn một câu nói của một giáo sư nước ngoài, chưa nói đến bản dịch đó có chính xác so với nguyên tác hay không nhưng rõ ràng, các câu chữ quá cầu kỳ với những thuật ngữ mà học sinh lớp 9 khó có thể hiểu được. Cụm từ “môi trường toàn cầu” được nhắc lại không dưới 3 lần, rồi “công dân môi trường toàn cầu”, “thành tố của một quan niệm bao trùm”… Đối với học sinh lớp 9, các em sẽ thấy rối rắm với quá nhiều thuật ngữ khó hiểu nên sẽ dẫn đến cách trả lời chung chung. Thêm vào đó, ngay trong chương trình lớp 9, các em được học rất ít về nghị luận xã hội, yêu cầu các em phải trình bày quan niệm về một vấn đề quá học thuật với những thuật ngữ quá chuyên ngành, khó hiểu là một đánh đố với học sinh”.
Cô cũng nêu ý kiến, mặc dù đây là cuộc thi có tính chất chọn lọc nhưng tại sao người ra đề không chọn một nhận định của chính những giáo sư, nhà nghiên cứu trong nước cho học sinh dễ hiểu? So sánh hai câu hỏi trong đề thi, cô Trương Ngọc Bích cho biết, câu 1 (3 điểm) phức tạp bao nhiêu thì câu 2 (7 điểm) yêu cầu nêu cảm nghĩ về hai nhận định tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” lại đơn giản bấy nhiêu. Với mức độ của một trường chuyên, đề thi này có cấu trúc tương đối không phù hợp.