Đề án Ngoại ngữ Quốc gia: Thanh tra "lòi ra" lãng phí
Tăng cường đầu tư thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Sau hơn 4 năm triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, việc đầu tư mua sắm, sử dụng thiết bị dạy học đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.
Phóng viên trao đổi với ông Phạm Ngọc Trúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT về những bất cập này.
PV: “Phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; sử dụng ngân sách lãng phí, đặc biệt ở khâu mua sắm thiết bị dạy học” là một trong những vấn đề được phát hiện qua đợt thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự “không cân đối, lãng phí” ở đây là những gì?
Tăng cường đầu tư thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Ảnh minh họa)
Ông Phạm Ngọc Trúc: Năm 2014 chúng tôi được giao nhiệm vụ thanh tra tại 4 địa phương: Hòa Bình, Bắc Ninh, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Qua thanh tra phát hiện tình trạng lãng phí trong đầu tư trang thiết bị cho đề án. Khi có kinh phí, các địa phương đều mua sắm thiết bị, tuy nhiên ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lãng phí. Ví dụ như mua thiết bị hiện đại, nhiều tính năng, đắt tiền nhưng không trang bị phần mềm dạy học tiếng Anh. Rồi công tác tập huấn, sử dụng thiết bị chưa kỹ nên giáo viên chưa khai thác hết tính năng của thiết bị. Một số địa phương ngân sách mua thiết bị rất lớn nhưng vốn đối ứng để nâng cấp cơ sở vật chất yếu nên cách âm các phòng học tiếng không đảm bảo, ẩm thấp, thiết bị xuống cấp, nhanh hỏng.
Trong khi đó công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên còn nhiều bất cập. Ví dụ Sóc Trăng, Hậu Giang, trước khi tổ chức bồi dưỡng không khảo sát, đánh giá năng lực GV dẫn tới xếp các GV có trình độ khác nhau vào chung 1 lớp, như vậy tất nhiên là không thể đảm bảo chất lượng. Có nơi lạm dụng hình thức vừa làm vừa học, không giám sát chặt chẽ khâu đánh giá bồi dưỡng dẫn đến chất lượng giáo viên không tốt.
PV: Được biết ngoài 4 tỉnh như ông vừa nêu, mới đây thanh tra Bộ cũng tiến hành thanh tra theo chuyên đề về việc mua sắm, sử dụng thiết bị dạy học ở một số địa phương khác. Kết quả ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Thanh tra Bộ cũng kết hợp thanh tra việc sử dụng, mua sắm thiết bị dạy học nói chung, trong đó có việc mua sắm, sử dụng thiết bị ngoại ngữ ở Hà Nam, Thái Nguyên. Cũng có những thiếu sót, bất cập như 4 địa phương. Có tình trạng bồi dưỡng GV chưa được chú trọng, mua sắm kinh phí cao. Ví dụ tỉnh Bắc Ninh dành tới 87 tỷ đồng cho mua sắm trang thiết bị và còn rất nhiều tỉnh khác nữa.
PV: Rõ ràng có sự khác biệt rất lớn trong việc đầu tư kinh phí cho công tác bồi dưỡng và mua sắm trang thiết bị. Ông bình luận gì trước việc nhiều tỉnh đầu tư không đúng theo kế hoạch, mục tiêu mà đề án đặt ra?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Đúng là BQL Đề án và Bộ chỉ đạo trước mắt đầu tư nguồn kinh phí vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn đội ngũ GV. Còn trang thiết bị nên cung cấp mức đảm bảo điều kiện tối thiểu. Nhưng một số ĐP chưa bố trí người dạy thay để GV tập trung nâng cao bồi dưỡng. Các cơ sở GD được Bộ chỉ định, giới thiệu đào tạo, bồi dưỡng là các trường chuyên ngữ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của mình nên việc hỗ trợ các địa phương triển khai bồi dưỡng GV cũng không được nhiều. Nên kinh phí của Đề án dành cho bồi dưỡng GV các địa phương triển khai còn khó khăn nên dẫn đến việc không chi hết nguồn kinh phí được cấp nên mới có chuyện chuyển nguồn kinh phí từ mục tiêu bồi dưỡng GV sang mua sắm trang thiết bị.
PV: Đành rằng công tác bồi dưỡng đội ngũ GV gặp khó khăn, tuy nhiên như thế cũng không có nghĩa là các địa phương có quyền “linh hoạt” điều phối nguồn kinh phí đấy cho việc mua sắm trang thiết bị?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Việc bồi dưỡng không chỉ bằng cách cử GV đến trường chuyên ngữ học hoặc mời các trường chuyên ngữ đến mà bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều địa phương mạnh dạn cử GV ra nước ngoài, cử chuyên gia ở các nước nói TA đến bồi dưỡng. Nhưng thời gian vừa rồi vẫn chủ yếu mời các cơ sở đào tạo ngoại ngữ đến các địa phương bồi dưỡng tại chỗ cho GV dẫn tới không chi hết nguồn kinh phí được cấp, nên mới xin chuyển nguồn KP từ mục tiêu bồi dưỡng GV sang mua sắm trang thiết bị. Khi chuyển các trường đều xin phép địa phương để thực hiện.
Tuy nhiên Bộ có khuyến cáo, đặc biệt là trong năm 2014 không cho phép chuyển kinh phí mua sắm thiết bị.
PV: Ông có nhận xét gì khi nhiều địa phương mua sắm trang thiết bị nhưng không tham khảo ý kiến của các cơ sở GD cũng như người trực tiếp giảng dạy để dẫn đến tình trạng mua sắm tràn lan, không sử dùng được?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Đây là việc làm sai qui trình. Văn bản đã hướng dẫn rõ trước mua sắm các địa phương phải khảo sát nhu cầu của các đơn vị thụ hưởng để đảm đảm phù hợp yêu cầu, năng lực của các cơ sở giáo dục, của GV.
PV: Để chấn chỉnh những tồn tại, bất cập nêu trên Bộ đã có giải pháp gì để giám sát và thực hiện đề án ở các địa phương?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Bộ đã có công văn chỉ đạo các sở GD&ĐT phải căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của Đề án để phân bổ nguồn kinh phí, đảm bảo cơ cấu phân bổ từ Trung ương, cân đối giữa các hạng mục chi (bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, mua sắm thiết bị, phần mềm, tài liệu dạy và học ngoại ngữ). Riêng năm 2014, việc phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 63/BGDĐT-KHTC về việc sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo cho Đề án 2020.
Giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện và đánh giá, nghiệm thu kết quả bồi dưỡng; hợp đồng với đơn vị đủ năng lực và trách nhiệm độc lập đánh giá kết quả bồi dưỡng; tổ chức rà soát về thực trạng thiết bị dạy học hiện có và các điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo việc mua sắm, khai thác, sử dụng thiết bị có hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án tại địa phương, tập trung vào nội dung bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên, mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục&Đào tạo giao Thanh tra Bộ GD&ĐT phối hợp Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án tại các địa phương và việc thực hiện trách nhiệm của các đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ…
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Hằng Lê/VOV