Dạy trẻ tự kỷ bằng khúc cây: Trẻ càng co mình, càng sợ hãi
Trẻ tự kỉ bị đánh đập trong cơ sở Anh Vương |
Liên quan đến việc các bảo mẫu, giáo viên của Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương dùng khúc cây, móc phơi đồ,... để đánh đập, dạy dỗ các em bị tự kỷ, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuân, một giáo viên hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc dạy trẻ tự kỷ.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong việc giáo dục trẻ tự kỷ, bà đánh giá như thế nào về hành vi của những cô giáo, bảo mẫu đó?
Theo tôi, để dạy trẻ em tự kỷ cũng không nhất thiết phải là những người qua trường lớp bài bản. Điều quan trọng là phải có cái tâm, một ít kinh nghiệm và cả sự kiên nhẫn của người dạy bởi trẻ tự kỷ bản thân các bé đã rất thiệt thòi.
Cách làm của những cô giáo, bảo mẫu như nắm đầu trẻ đập vào cửa sắt, dùng roi sắt đánh vào lưng và đầu, quát mắng,… hoàn toàn là phản giáo dục. Tất cả mọi hành vi giáo dục mà dùng đến bạo lực thì đều không đạt nhiều tác dụng.
Chỉ khi không còn cách nào khác, bất đắc dĩ mới phải dùng đến việc đánh, tuy nhiên phải trong chừng mực cho phép.
Trong thời gian công tác, tôi đã từng gặp phải những trường hợp trẻ tự kỷ khi không hài lòng về một việc gì thì tự đập đầu xuống đất. Khi mà những cách thực hiện (như nhắc nhở, giữ đầu trẻ,..) đều không mang lại kết quả, thì mới bàn với phụ huynh cho phép biện pháp là đánh vào mông mỗi khi trẻ có hành vi như thế.
Và phải với những trường hợp cực kỳ nguy hiểm như thế, tránh các hệ lụy liên quan đến chấn thương sọ não mới dùng đến việc đánh trẻ. Tất nhiên, chỉ đánh bằng tay không vào những chỗ không nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ (như tay, mông,..), tuyệt đối không dùng các vật khác.
Trẻ tự kỷ nhớ rất lâu, có những cái dạy mãi trẻ không biết nhưng đôi khi đánh các bé một lần thì sẽ nhớ mãi, in sâu vào tiềm thức và tình huống xấu hơn sẽ phản tác dụng bởi trẻ tự kỷ sẽ càng sợ, càng “co mình” lại.
Bà có cho rằng các giáo viên, bảo mẫu này dường như không nắm được tâm lý dễ bị hoảng loạn của trẻ tự kỷ?
Trẻ bình thường đến một giai đoạn nào đấy thì có thể tự mặc quần áo, đi vệ sinh, …nhưng với trẻ tự kỷ thì những kỹ năng sống này là một thiếu hụt. Và những điều này đòi hỏi giáo viên phải dạy trẻ từng tí một.
Trẻ tự kỷ dường như không muốn làm bất cứ một việc gì, tất cả mọi việc đều cần có sự thúc ép, cần trở thành thói quen, làm đi làm lại nhiều lần mới biết. Giáo viên làm thay thì trẻ sẽ không có ý thức là phải làm những việc ấy nữa, bởi lại suy nghĩ lệ thuộc nếu không làm thì đã có người khác làm thay.
Các giáo viên, bảo mẫu này lại mắc phải những sai lầm khi xử lý hành vi của trẻ tự kỷ. Thay vì kiên trì tập cho trẻ kỹ năng tự ăn cơm, thay đồ, tắm rửa... các cô này lại làm thay tất cả khiến trẻ dần bị lệ thuộc. Việc đánh đập la mắng, quát tháo,... của các cô khiến trẻ không những không giảm gào khóc, bướng bỉnh,… mà đôi khi có tác dụng ngược, khiến các em bị kích động, hay phản ứng mạnh, thậm chí là xuất hiện thêm hành vi theo hướng tiêu cực mới.
Liên quan đến câu chuyện này, bà có thể cho biết những khó khăn của các gia đình có trẻ tự kỷ gặp phải nhiều nhất để tìm kiếm một chỗ học cho trẻ hiện nay là gì?
Hiện nay, số trẻ phát hiện tự kỷ ngày càng nhiều, các trường dành cho trẻ em tự kỷ rất nhiều tuy nhiên hầu hết đều là các trường tư. Cũng có không ít các trường sau khi học xong, trẻ cũng không thấy có sự tiến bộ gì. Số giáo viên có kinh nghiệm của các trường và trung tâm đấy không nhiều. Bởi thực ra mà nói ở những trường, trung tâm này mức lương cho các giáo viên được trả là rất thấp trong khi cường độ làm việc đối với trẻ tự kỷ rất cao.
Khó khăn nhiều phụ huynh gặp phải là phải cân nhắc trong việc chọn chỗ học cho trẻ bởi có trường phù hợp với con, có trường lại không. Ở các thành phố lớn như Hà Nội có nhiều trường, trung tâm dạy trẻ tự kỷ nhưng ở các tỉnh lẻ, cũng chỉ ở thành phố mới có 1 đến 2 lớp thì phụ huynh mới đủ điều kiện cho con đến để học.
Đặc biệt là vùng sâu vùng xa, sẽ rất là khó khăn. Ví dụ như nếu muốn đưa con lên Hà Nội học thì ngoài chi phí học cho con, phụ huynh còn phải lo tiền thuê trọ, ăn ở, sinh hoạt,… chi phí là quá cao, đôi khi chấp nhận bỏ ngỏ.
Nhìn một cách tổng thể, bà đánh giá việc dạy trẻ tự kỷ ở nước ta hiện nay đang ở thực trạng như thế nào?
Việc dạy trẻ tự kỷ nếu đúng chuẩn cần rất nhiều yếu tố bao gồm bác sĩ, chuyên gia ngôn ngữ, giáo viên. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay hầu như các yếu tố này đang làm việc một cách đơn lẻ, chưa có được sự gắn kết với nhau. Để giáo dục hiệu quả cần có sự kết hợp giữa việc dạy kiến thức với quá trình vận động, y tế, chuyên gia ngôn ngữ… nhưng nhìn chung chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác này.
Xin cảm ơn bà rất nhiều!