Dạy trẻ tự kỷ bằng khúc cây: Sai từ ngoài cổng sai vào
Công an đang làm việc với ông Việt (áo trắng) về những sai phạm của cơ sở
Cơ sở vật chất “quá tệ”
Quan sát “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương” (cơ sở Anh Vương) vào ngày 21/7, nhiều người ngay lập tức nhận thấy nơi này không đủ tiêu chuẩn để hình thành nên một ngôi “trường chuyên biệt”. Thậm chí một lãnh đạo của phòng giáo dục quận Tân Bình đã phải thốt lên rằng cơ sở này “sai từ ngoài cổng sai vào”.
Bề ngoài khang trang của "ngôi trường"... |
Ghi nhận tại đây, ngôi nhà dùng làm nơi nuôi dạy các cháu có vẻ ngoài khá khang trang với 2 lầu một trệt, diện tích lên tới hàng trăm mét vuông. Tuy nhiên khi bước vào bên trong thì vẻ hào nhoáng biến mất, bởi căn nhà vốn không xây cho mục đích giáo dục nên các phòng rất chật hẹp, bức bối.
Phòng khách tại tầng trệt và lầu một được dùng làm nơi ăn và chỗ “vui chơi” của học sinh. Tuy nhiên tại đây gần như không có bất cứ trang thiết bị nào ngoài mấy tấm đệm rách nát, cũ bẩn cùng vài bộ bàn ghế làm chỗ ăn cơm.
Trong khi đó các phòng ngủ tại tầng trệt và lầu một cũng được cải tạo thành các lớp học. Diện tích vốn đã nhỏ hẹp của những căn phòng này càng trở lên ngột ngạt bởi những cánh cửa luôn bị đóng kín. Ngay cả những ô kính trên đó cũng bị dán giấy khiến người bên ngoài không thể quan sát hoạt động phía trong.
... đối lập với cơ sở vật chất tồi tàn phía trong |
Tại một nơi dùng làm “phòng học” cũng chỉ có chừng ba bộ bàn ghế, và một ít sách vở, đồ dùng học tập. Ở đây các giáo viên còn xử lý tấm kính bị bể một mảng lớn bằng cách…bọc băng keo vào đường vỡ sắc lẹm. Trong khi đó những mảng tường, giấy dán tại nhiều khu vực trong căn nhà đã loang lổ vết bong tróc, từ sàn nhà mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc.
Không chỉ thế, nhìn bữa ăn trưa của các cháu sau đó nhiều người đã phải quay đi. Theo đó cơm và chút ít thức ăn của các cháu được bảo mẫu “tống” vào một tô nhựa, cạnh đó là bát canh bầu lõng bõng nước. Chứng kiến cảnh những đứa trẻ ngồi cạnh nhau lặng lẽ xúc từng miếng cơm “hổ lốn” nhai trệu trạo cho xong bữa mới thấy hết sự tủi nhục mà các cháu đang phải gánh chịu.
Phần cơm trưa của các cháu được nuôi dạy tại đây |
Giáo viên không nghiệp vụ
Theo báo Thanh niên thì hiện tại cơ sở Anh Vương có khoảng ba mươi học sinh theo học cùng ba giáo viên và ba bảo mẫu. Tuy vậy hai trong số này đã thừa nhận họ không có bất cứ bằng cấp nào liên quan đến công việc hiện tại đang làm. Trong đó bảo mẫu Nhờ cho biết trước kia vốn là thợ may, còn cô Trúc đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học không thuộc ngành giáo dục.
Trong đoạn video được ghi lại cho thấy các cô giáo, bảo mẫu đã nhiều lần dùng tay và cây (roi) đánh, tát vào mặt các cháu để thị uy. Không những thế một cô giáo còn đưa tay “bóp chim” một cháu nhỏ tới khóc thét trong tiếng cười khoái trá của chính cô. Còn những cháu không ăn hết phần cơm được các cô “hỗ trợ” bằng cách nhét vào miệng…
Qua quan sát vào sáng ngày 21/7, dù đang là giờ học nhưng các cô giáo, bảo mẫu vẫn ăn mặc theo sở thích với quần jeans áo thun, hoặc quần âu áo sơ mi, và cả đồ bộ. Mỗi khi có học sinh chạy ra khoảng sân phía trước họ vẫn dùng cách cao giọng dọa nạt bắt các cháu vào trong.
Sau hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng vào sáng ngày 21/7, ông Chu Văn Việt (sinh năm 1977 – chủ cơ sở) thừa nhận tại đây có 11 nhân viên nhưng có tới 8 người không bằng cấp. Cơ sở cũng không hề có giáo án giảng dạy. Bên cạnh đó ông Việt cũng không đưa ra được hợp đồng lao động đối với những nhân viên này.
Quản lý lỏng lẻo của chính quyền
Có thể thấy rõ điều này qua vị trí của cơ sở Anh Vương. Dù nơi này nằm ngay sau lưng trụ sở UBND phường 15 quận Tân Bình nhưng phải đến khi xuất hiện bài báo của báo Thanh niên thì sự việc mới bị phanh phui.
Lật lại thời gian trước đó, vào ngày 30/12/2013 UBND quận Tân Bình đã có “Quyết định giải thể trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương” do không đáp ứng đủ các điều kiện đề ra. Tuy nhiên vào ngày 5/5/2014 ông Việt đã có được “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” do Sở Kế hoạch đầu tư cấp với tên công ty được thành lập là “Công ty TNHH chăm sóc người khuyết tật Anh Vương”.
Trao đổi với báo chí sau khi kiểm tra cơ sở này, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng thừa nhận, để sự việc xảy ra như hôm nay đã có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Bất cập về trường lớp
Trao đổi với PV Infonet, ông nội cháu Kỳ Nam (một học sinh được đề cập trong bài báo vì bị đánh) cho biết: “Gia đình rất muốn gửi cháu vào những cơ sở công lập, tuy nhiên những nơi này chỉ nhận học sinh bán trú. Trong đó nhà tôi ở tận Long An nên đành phải lựa chọn một nơi chấp nhận học sinh nội trú để gửi”.
Liên quan đến vấn đề này bà Thanh cho biết, hiện nay TP. HCM có 23 trường chuyên biệt nhận nuôi dạy các cháu tự kỷ. Tuy nhiên số lượng này không đáp ứng được nhu cầu gửi con em bị bệnh hiện nay.