“Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng”
Chỉ có thể giảm chứ không cấm được việc học thêm, dạy thêm - Ảnh IT |
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) khẳng định: “Dạy thêm và học thêm là một nhu cầu chính đáng và bắt buộc phải được duy trì”. Bởi, nếu chỉ học theo chương trình trong nhà trường, một học sinh bình thường sẽ không thể thi đậu vào đại học. Vì kiến thức thi đại học rất dàn trải, muốn đậu thì bắt buộc phải học thêm.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cũng cho biết, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có tổ chức ôn luyện cho học sinh nào muốn thi vào các trường chuyên hoặc phụ huynh có nhu cầu muốn bồi dưỡng thêm cho học sinh. Trong trường hợp này, nếu cấm việc dạy thêm, học thêm là không đúng.
Theo các đại biểu, có thể giảm bớt việc dạy thêm và học thêm chứ không thể bỏ được. Việc dạy và học thêm cũng phải được xem xét để đảm bảo đạo đức nhà giáo trong quá trình giảng dạy chính khoá, và cũng phải điều chỉnh mức thu, chi trong và ngoài nhà trường cho phù hợp khi dạy thêm.
Ngoài ra, các đại biểu còn cho rằng, Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm còn nhiều bất cập, không chặt chẽ, vô tình thả nổi quản lý đối với hệ ngoài công lập và siết chặt không đáng có đối với hệ công lập.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ ra, chính Bộ GD&ĐT đã khiến cho nhu cầu dạy thêm và học thêm ngày càng gia tăng. Chính chương trình học ngày càng quá tải đã khiến nhu cầu học thêm tăng cao.
Nhưng quy định về hạn chế dạy và học thêm như theo Thông tư 17 thì vô tình giúp các trường ngoài công lập “thoải mái”. Lúc đó, giáo viên giỏi từ trường công lập ra ngoài trung tâm hay trường dân lập dạy thêm là điều khó cấm.
Để hạn chế được việc dạy thêm, học thêm và đảm bảo công bằng, theo TS Hồ Thiệu Hùng, Bộ GD&ĐT nên thiết kế chương trình học ngày hai buổi ở tất cả các cấp học cho học sinh. Theo đó, buổi thứ hai trong ngày, sẽ dạy theo trình độ của từng học sinh.