Dạy nghề nông thôn: Quan trọng là cách làm
Xác định nghề đào tạo để xây dựng mô hình điểm
Hàng năm Bắc Giang có khoảng 2 vạn người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó 68% số lao động của Bắc Giang làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và phần lớn lại chưa qua đào tạo.
Bắc Giang đã xác định được 4 nghề đào tạo để xây dựng mô hình điểm của tỉnh đó là: Nghề may công nghiệp (gắn với tạo việc làm tại các doanh nghiệp), nghề chăn nuôi gà đồi, nghề chăn nuôi thỏ, nghề sửa chữa xe máy. Ngoài ra, tổ chức mô hình dạy nghề Gốm để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống.
|
Một số địa phương có hướng đi hiệu quả nhằm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
Việc lựa chọn cơ sở đào tạo nghề thực hiện mô hình điểm của Bắc Giang dựa trên các yếu tố như: có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên dạy nghề, nội dung, chương trình đào tạo; có khả năng nhận người lao động sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại cơ sở, doanh nghiệp; có khả năng hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người học nghề sau khi tốt nghiệp; có khả năng hỗ trợ người lao động mở cửa hàng, cửa hiệu, hỗ trợ người lao động tiêu thụ sản phẩm…
Theo bà Vũ Hồng Minh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, tỉnh chỉ giao cho các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh đã chọn lọc những cơ sở phù hợp trong số 84 cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn.
Bà Minh cũng cho biết, tỉnh đã huy động sự tham gia của các doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung chương trình đào tạo đến khâu hướng dẫn thực hành và nhận học sinh vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Tăng thời gian đào tạo một số nghề để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường lao động.
Để giải quyết tốt vấn đề đầu ra sau đào tạo, tỉnh chủ trương kiên quyết loại bỏ những lao động học chỉ để hưởng chế độ hỗ trợ như tiền ăn, tiền đi lại mà không xuất phát từ động lực tìm kiếm việc làm. Chỉ mở lớp khi lao động nông thôn dự kiến được việc làm và thu nhập sau đào tạo.
Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 18.922 lao động. Trong đó, trên 70% học viên đã có việc làm, tăng thu nhập từ 3 đến 6 lần so với trước khi học nghề.
Linh hoạt trong mô hình, thời gian, địa điểm học
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, các chương trình, chính sách hỗ trợ dạy nghề trước đây chủ yếu dạy nghề theo năng lực đào tạo của các cơ sở doanh nghiệp nhưng với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của cơ sở dạy nghề trong việc tư vấn, giải quyết việc làm phù hợp sau đào tạo cho học viên đã được định hướng rõ ràng.
Hải Phòng có tỷ lệ việc làm phù hợp sau đào tạo nghề đạt trên 80%. Với mục tiêu mỗi năm bình quân đào tạo nghề cho từ 24.000 đến 25.000 lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng 2.350 lượt cán bộ công chức xã. Năm 2012, về cơ bản TP. Hải Phòng đạt tiến độ đề ra.
Đối với những người học các nghề nhóm nông nghiệp, kiến thức đã học giúp người nông dân phòng, tránh được những bệnh thường gặp của cây trồng, vật nuôi, sử dụng thức ăn cho gia súc, gia cầm... nâng cao năng suất lao động. Còn với những người học nghề công nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ có khả năng tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm mới với mức lương từ 1,7-3 triệu đồng/tháng, công việc và thu nhập ổn định.
Một nét nổi bật của địa phương là chương trình dạy nghề được thiết kế gọn nhẹ, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh theo yêu cầu của thị trường lao động. Các mô hình đào tạo cũng theo phương thức linh hoạt về thời gian, địa điểm đào tạo.
Thành phố Hải Phòng đã áp dụng các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn trực tiếp tại thôn, xóm; nội dung thực hành được thực hiện tại chỗ (xưởng sản xuất của doanh nghiệp; nhà hàng của cơ sở kinh doanh dịch vụ; ao, chuồng, vườn của hộ gia đình, hợp tác xã...).
Thời gian đào tạo các khóa học chủ yếu là 3 tháng, tiến hành vào thời điểm nông nhàn, thời gian học có thể linh hoạt theo đặc điểm sinh học của cây trồng, vật nuôi, thời gian tiến hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Giám sát chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền
Trong gần 3 năm 2010 - 2012, toàn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức dạy nghề cho 25.763 người. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề của các khóa đạt trên 72%. Các nghề có tỷ lệ việc làm sau đào tạo cao là chăn nuôi gà, chăn nuôi heo, may công nghiệp, đan lát, chế biến gỗ…
Theo ông Mai Quốc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, đến nay mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tỉnh đều có ở khắp các huyện. Hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt.
Người học nghề đã tiếp cận phổ cập được kiến thức chuyên môn, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ, hoặc có khả năng hành nghề để kiếm sống, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.
Do đặc thù nhận thức về học nghề, lập nghiệp của các tầng lớp nhân dân và người nghèo ở vùng sâu, vùng xa tại tỉnh còn hạn chế, dẫn đến việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Một bộ phận lao động nông thôn còn tâm lý ngán ngại đăng ký đi học nghề, chưa thấy được lợi ích của việc học nghề.
Ngoài ra, việc quy hoạch các xã, thị trấn theo chương trình xây dựng nông thôn mới chưa được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho việc định hướng và tuyên truyền, tư vấn ngành nghề cần đào tạo cho lao động nông thôn, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là 34 xã thí điểm xây dựng chương trình nông thôn mới.
Bởi thế, ông Trung cho biết, một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp được xác định phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động.
”Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề”, ông Trung nói.
Bên cạnh đó, để đảm bảo không xảy ra sai phạm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Trung cho biết, tỉnh sẽ tổ chức các đoàn thường xuyên đi kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quản lý và dạy nghề tại các địa phương, các cơ sở có tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là trong việc quản lý các nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn và mua sắm thiết bị của các cơ sở dạy nghề, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc tháo gở khó khăn và có những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.