Dạy nghề nông thôn: Nhiều mô hình hay, cách làm mới
Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo quyết định 1956/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về mặt chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng… Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã mở được tổng số 61 lớp nghề cho 1.852 lao động nông thôn của 07 huyện, thị. Trong đó có 24 lớp chăn nuôi gia cầm, 19 lớp trồng cây lương thực, thực phẩm; 8 lớp trồng rau; 3 lớp nuôi trồng thủy sản nước ngọt; 2 lớp kỹ thuật trồng nấm… đạt 100% kế hoạch được giao.
Trao đối với chúng tôi, bà Phạm Thị Hồng Gấm, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ Nông dân cho biết: Để giúp học viên gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, làm quen và thuần thục với nghề hơn, áp dụng tốt kiến thức vào sản xuất sau khi học nghề. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã xây dựng các mô hình thực hành nghề phù hợp với điều kiện của từng địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân. Sau 2 năm thực hiện, Trung tâm đã đầu tư xây dựng 57 mô hình thí điểm học nghề, các mô hình tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Mô hình trồng cây lương thực, thực phẩm
Nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng Trung tâm đã xây dựng 19 mô hình về trồng cây lương thực, thực phẩm. Trong đó có 12 mô hình lúa lai Nghi Hương 2308 và Nam Ưu 603 (huyện Phong Thổ 03 mô hình, Tân Uyên 03 mô hình, Than Uyên 2 mô hình…). Các mô hình được đầu tư toàn bộ giống, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư cho học viên thực hành trên diện tích là 6.000 m2. Sau khi kết thúc khóa học, đánh giá kết quả thực hành trên các mô hình các lớp nghề so sánh với các diện tích canh tác ngoài mô hình của bà con nông dân năng suất tăng từ 15-20%. Mô hình đạt sản sản lượng cao điển hình như mô hình ở bản Phường xã Hua Nà; mô hình bản Tân Hợp, thị trấn Tân Uyên năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha.
Bên cạnh việc triển khai mô hình lúa lai, Trung tâm đã triển khai mô hình trồng ngô lai. 7 mô hình giống ngô lai CP 333, CP 989 đã được triển khai tại huyện Phong Thổ, Tân Uyên, Mường Tè và huyện Sìn Hồ. Diện tích mỗi mô hình là 4.000 m2 được Trung tâm đầu tư toàn bộ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, mỗi học viên còn được hỗ trợ 3kg giống ngô để học viên thực hành áp dụng trên diện tích ngô của gia đình mình. Sau 3 tháng, nhận thức của học viên được nâng lên rõ rệt, 100% học viên đã biết áp dụng khoa học vào sản xuất, thâm canh ngô. Kết thúc khóa học, sản lượng ngô của mô hình thực hành bình quân đạt 55-65 tạ/ha, năng suất tăng 15-20%. Điển hình là mô hình ngô tại bản Vàng Pó, thị trấn Phong Thổ, mô hình ngô tại bản U Gia xã Huổi Luông huyện Phong Thổ năng suất đạt trên 65%.
Mô hình chăn nuôi gia cầm, trồng rau
Ngoài Mô hình trồng cây lương thực, thực phẩm, Trung tâm đã mở nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm và trồng rau. Có 22 mô hình chăn nuôi gà với 300 con gà giống Tam Hoàng có trọng lượng 0,2-0,3 kg/con. Sau thời gian 2 tháng nghiệm thu, đánh giá mô hình tỷ lệ sống bình quân từ 80-85%, trọng lượng đạt 1,7-2 kg/con. Trung tâm cũng đã triển khai 2 mô hình nuôi ngan, mỗi mô hình được đầu tư 180 con, máng ăn, máng uống, thuốc thú y, vật tư thực hành và toàn bộ thức ăn nuôi công nghiệp trong thời gian 2 tháng. Kết thúc khóa học nghiệm thu đánh giá mô hình bàn giao cho lớp quản lý và sử dụng. Riêng bản Mỏ, xã Nậm Xe, Phong Thổ triển khai thực hiện năm 2012 do ảnh hưởng của dịch gia cầm trên toàn xã nên hiệu quả mô hình đạt được không cao, tỷ lệ sống 30%; các mô hình khác tỷ lệ sống đạt trên 90% và trọng lượng trung bình đạt 2,8-3kg/con.
Ông Sùng A Vàng bản Sùng Chô, xã Nậm Lỏong cho biết: Gia đình được Hỗ trợ ngan giống, thức ăn, do được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên ngan lớn nhanh hơn so với trước đây. Từ kết quả của mô hình gia đình anh tiếp tục phát triển đàn ngan với số lượng nhiều hơn. Một số gia đình khác trong bản cũng làm theo.
Mô hình trồng rau cũng được chú trọng, Trung tâm đã triển khai 8 mô hình chủ yếu ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ và Thị xã, mỗi mô hình được thực hiện trên diện tích 3.000 m2. Sau khi thu hoạch sản phẩm của các mô hình rau bán ra trên thị trường đều cho giá trị kinh tế cao hơn so với cùng một đơn vị diện tích không thực hiện mô hình từ 1,5-2 triệu đồng/1.000 m2. Điển hình có mô hình đạt hiệu quả cao như mô hình bản Lùng Thàng xã Nậm Lỏong, Thị xã Lai Châu; bản Mào Mô, xã Giang Ma, huyện Tam Đường.
Từ kết quả của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại, trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn, giúp người dân lao động có năng suất, chất lượng và ổn định cuộc sống. Gắn công tác dạy nghề với hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân từng bước cải thiện chất lượng nguồn lao động, chất lượng cuộc sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo cho phù hợp, thực hiện tốt các mô hình thí điểm học nghề. Chú trọng quan tâm đào tạo các nghề có trọng tâm, trọng điểm, then chốt theo quy hoạch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn theo định hướng phát triển của tỉnh.