Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Mấy chục năm nay, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã làm và nói nhiều về nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, từ Đại hội IX đến nay, Đảng ta không chỉ gắn kết công nghiệp hóa với hiện đại hóa mà còn cho rằng con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, phải gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình CNH, HĐH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức (KTTT), lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhất quán, tư duy mới và quyết tâm chính trị của Đảng về phát triển KTTT ở nước ta hiện nay.
Đặc điểm chi phối lớn nhất của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế còn nghèo nàn, cơ sở vật chất, kỹ thuật lạc hậu, lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh và thiên tai. Do đó, tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là tất yếu, nhằm tạo ra những tiền đề vật chất, kỹ thuật, con người, công nghệ, phương tiện, phương pháp hiện đại, nghĩa là tạo dựng lực lượng sản xuất hiện đại cho chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu tuần tự thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước rồi mới đi vào KTTT thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ để phát triển; khoảng cách phát triển giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới không thể rút ngắn. Vì vậy, cần phải lồng ghép, đan xen cả hai quá trình CNH, HĐH và phát triển KTTT. Thực hiện tốt vấn đề này, chúng ta sẽ “giải được bài toán” tối ưu đối với sự phát triển đất nước.
Nhà máy phân bón Lào Cai. |
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng đã xác định rõ vai trò của KTTT là “yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH”. Trên cơ sở nhất quán khẳng định phát triển KTTT, gắn phát triển KTTT với quá trình CNH, HĐH, Đảng ta còn xác định nền tảng và động lực phát triển KTTT là phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Phát triển KTTT trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động, nâng cao năng lực nghiên cứu-ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao". Điểm mới trong tư duy của Đảng tại Đại hội XI là xác định rõ chủ trương và biện pháp phát triển KTTT, đó là, phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu-ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời “Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển KTTT đến năm 2020”.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng xác định: “…lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu” để đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển KTTT. Điều này càng cho thấy sự nhất quán và tư duy mới của Đảng về phát triển KTTT ở nước ta hiện nay. Theo đó, KTTT là kinh tế dựa chủ yếu vào sự phát triển của khoa học, công nghệ cao (CNC), tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đánh giá nền kinh tế của một nước đạt đến trình độ KTTT hay chưa là dựa vào hàm lượng tri thức có trong sản phẩm và sản xuất CNC. Các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ hàng không-vũ trụ…được xem là những ngành CNC, đồng thời cũng là trụ cột của KTTT. Các ngành này được xem là những “đầu tàu” dẫn dắt KTTT bởi sự kích ứng và chi phối mạnh mẽ của nó đối với các ngành, các lĩnh vực khác trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Honda Hà Nam. |
Các ngành CNC có đặc điểm là tốc độ tăng trưởng cao và nhanh chóng; đóng góp to lớn vào nền kinh tế quốc dân và tạo việc làm mới; có khả năng cạnh tranh quốc tế; thời gian từ nghiên cứu khoa học đến sáng tạo công nghệ ngày càng rút ngắn hơn trước; có khả năng thâm nhập trực tiếp, nhanh chóng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, quản lý); sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời khai thác nguồn tài nguyên tri thức để thay thế cho nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt dần. CNC không những nối dài các giác quan và tăng sức mạnh vật chất của con người, mà còn mở rộng sức mạnh tư duy, là cơ sở và điều kiện để nâng cao năng lực nhận thức và cải tạo thế giới của con người. Để có các ngành CNC nói trên, đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng và phát triển các khu CNC-những “cái nôi” hình thành và phát triển CNC và ngành công nghiệp dựa trên CNC của đất nước. Nhiều khu CNC của nước ta được xây dựng trong thời gian qua đã và đang phát huy được vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của nó. Qua mỗi kỳ đại hội, nhận thức, tư duy của Đảng ngày càng sáng rõ hơn, hoàn thiện hơn từ vai trò đến cách thức, biện pháp, lộ trình phát triển KTTT. Tư duy nhạy bén, sáng suốt của Đảng còn thể hiện ở chủ trương gắn kết chặt chẽ CNH, HĐH với KTTT, phát triển tuần tự, kết hợp với đi tắt đón đầu, đi ngay vào công nghệ hiện đại ở những lĩnh vực, những khâu cần thiết và có điều kiện, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Điều đó khẳng định rõ ý chí, lòng quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến bước vững chắc vào kỷ nguyên KTTT. Tuy nhiên, để phát triển KTTT thực sự có hiệu quả, sát với điều kiện thực tế của nước ta, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, xây dựng Chiến lược phát triển KTTT từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Chiến lược cần đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển KTTT, chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá và định hướng phát triển KTTT, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KTTT đã đề ra. Mô hình phát triển KTTT ở nước ta vừa mang tính tổng thể ở tầm vĩ mô, vừa phải cụ thể hóa sát với điều kiện, thế mạnh của đất nước, từng địa phương, cấp, ngành và từng lĩnh vực. Trong chiến lược cần xác định và triển khai lộ trình, bước đi và giải pháp thích hợp, xác định rõ những khâu, những bước đột phá, không dàn trải. Tháo gỡ mọi rào cản về cơ chế, chính sách, khắc phục tư duy lạc hậu, cách làm tùy tiện và thiếu khoa học. Phát triển mạnh mẽ khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tạo nền tảng, động lực phát triển KTTT. Cần xác định thời gian cụ thể từ 3-5 năm có kế hoạch đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời hướng phát triển, bổ sung thêm các giải pháp mới thích hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển KTTT của đất nước.
Hai là, thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển cao với đầy đủ các yếu tố hợp thành; thiết lập và vận hành hệ thống đổi mới quốc gia thực sự năng động; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, nhất là hạ tầng thông tin; đẩy mạnh cải cách hành chính hướng về phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, ổn định.
Ba là, xây dựng và phát huy lợi thế các khu CNC của quốc gia và các vùng, miền, đột phá mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ hàng không-vũ trụ, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.
Bốn là, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển KTTT của khu vực và thế giới; tránh rập khuôn máy móc hoặc chối bỏ kinh nghiệm của các nước khác; khai thác, sử dụng tối ưu nguồn tri thức của con người Việt Nam và tri thức của nhân loại phục vụ phát triển KTTT.
Sự nhất quán và tư duy mới về phát triển KTTT của Đảng ta được thể hiện rõ qua các kỳ Đại hội Đảng. Điều đó khẳng định tầm trí tuệ của một Đảng cầm quyền trước những vận hội và thách thức lớn của thời đại. Để thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển KTTT, cần phải xác định rõ các giải pháp mang tính đồng bộ và đột phá, đồng thời kiên quyết thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra.