Dạy kỹ năng sống cho con: Không ai khác ngoài bố mẹ!
Chị Hằng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi học lớp 7 rồi nhưng vẫn chưa biết rửa bát. Việc nặng nhất đối với con chỉ là dọn phòng, quét nhà".
Theo chị Hằng, chỉ vì muốn tiết kiệm thời gian cho ngày mới và để con đến lớp không cảm thấy uể oải, bố mẹ cũng vào việc yên tâm hơn nên ngày nào cũng thế, tối đi làm về là một mình chị lao vào bếp. Rồi đến những ngày nghỉ, chuyện vào bếp đương nhiên là việc của mẹ.
“Cháu học xong 2 buổi ở trên trường thì đi học thêm luôn vào ca tối. Về nhà tắm rửa rồi ăn uống xong cũng phải 8 rưỡi tối, vì vậy rất khó để rèn cho con những kỹ năng sống. Nhiều khi muốn để cho con giúp mẹ rửa bát,… nhưng nghĩ thực sự là không đủ thời gian với con”, chị Hằng nói.
Tin bài bạn quan tâm
Một cuộc điều tra bất ngờ về học sinh THPT: Kết quả trớ trêu
Chị Hằng cũng chia sẻ, sau khi đọc xong những khảo sát về kỹ năng sống mới đây của một thầy giáo, chị cũng giật mình nghĩ lại, dường như anh chị đã quá chiều con.
“Chắc sẽ phải phân bổ thời gian một cách hợp lý hơn, có thể là cuối tuần hoặc hôm nào cháu ít bài tập thì sẽ hướng dẫn cho cháu thêm những kỹ năng khác. Tâm lý đôi khi muốn làm luôn hộ con cho xong để đỡ phải nói nhiều, rồi do đặc thù công việc mà nhiều khi không đủ thời gian để dạy cho con những điều đó.
Chưa kể, nhìn con có quá nhiều bài tập về nhà bố mẹ cũng rất thương. Và để con đến trường với sức khỏe tốt nhất nên chúng tôi cũng “thôi thì” làm luôn”, chị Hằng chia sẻ.
Chị Hằng cho biết, trước đến nay chị vẫn dạy cho 2 đứa con của mình cách biết chia sẻ với mọi người, bạn bè xung quanh tuy nhiên vấn đề về thời gian vẫn là trở ngại lớn.
Rất cần kỹ năng kết nối
Bàn về điều này, nhà báo, nhà văn Hồ Thị Hải Âu, người mẹ có con gái là Lã Hồ Minh Khuê nhận học bổng toàn phần của ĐH Harvard, cho biết, một trong những kỹ năng sống quan trọng bậc nhất là khả năng kết nối thì giới trẻ Việt Nam đang thiếu hụt một cách trầm trọng.
“Rất nhiều người hỏi tôi chia sẻ về việc dạy kỹ năng cho con, và tôi vẫn luôn nhấn mạnh cái kỹ năng cần thiết và quan trọng nhất là biết kết nối và biết cách sống với những người dưng.
Để cho các bạn trẻ biết cách chung sống, hỗ trợ, chia sẻ với nhau là điều quan trọng, từ đó các con tạo cho mình được những mối quan hệ với môi trường xung quanh. Tôi vẫn nói với con rằng khi sống trong vòng kết nối tin cậy đó thì tự khắc chính con sẽ cảm thấy được an toàn”, bà Hải Âu chia sẻ.
Bà Hải Âu lấy dẫn chứng, dù trẻ được học rất nhiều kỹ năng ở thành phố nhưng khi bị lạc ở những vùng nông thôn, điều kiện khó khăn thì vẫn rất chật vật nếu không được trang bị những kỹ năng trước đó. Vì vậy điều quan trọng nhất là phải cho chính các con dấn thân vào cuộc sống, cảm nhận được tận cùng những nỗi đau của mình.
“Cần học cách sống khiêm nhường, khi mà cái tôi của chúng ta nhỏ đi bao nhiêu thì chúng ta càng dễ kết nối với nhau được bấy nhiêu”, bà Hải Âu nhắn nhủ.
Đánh giá những kỹ năng sống là vô cùng quan trọng, theo bà Hải Âu khi mà phụ huynh hiểu được điều đó thì phải dạy các con từ ngay lúc các con còn rất bé và không từ đâu khác mà phải bắt đầu từ chính môi trường gia đình.
Tuy nhiên, nhân câu chuyện này, bà Hải Âu cũng bày tỏ lo ngại khi mà các phụ huynh hiện nay thay vì dạy con lại đang “đẩy” các con vào các lớp học về kỹ năng sống để học những cái gọi là “kỹ năng sống”.
Cùng đó, là việc mở những lớp học về kỹ năng một cách quá đà, tràn lan. Bởi theo bà Hải Âu, vai trò của gia đình trong việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ là nền tảng cơ sở và vô cùng quan trọng.
“Không ai khác có thể dạy con mình biết những kỹ năng tốt bằng người mẹ, người bố. Đó là những kỹ năng dồi dào vô cùng và theo dòng chảy cuộc sống thường ngày mới giúp đứa trẻ tiếp thu một cách dễ dàng nhất”, bà Hải Âu nói.
Không phản đối các lớp học dạy kỹ năng sống cho trẻ nhưng bà Hải Âu cũng nhắn nhủ tới các phụ huynh là không phải cứ đến lớp học đó là hy vọng rằng con sẽ thay đổi.