Dạy du học sinh Việt Nam những thất bại trong kinh tế Nhật Bản
Ông Tadao Nakahara – Hiệu trưởng trường ĐH IPU. |
Ngày 12/3, tại Rạp Kim Đồng (19 Phố Huế, Hà Nội) đã diễn ra Lễ Trao Học bổng SOSHI dành cho các học sinh đã tham gia kỳ thi học bổng vào tháng 1/2016 và có dự định theo học tại trường Đại học quốc tế Thái Bình Dương (IPU) trực thuộc Tập đoàn Giáo dục SOSHI (Nhật Bản).
Học bổng SOSHI được triển khai lần đầu đầu tiên vào năm 2014, mở cánh cửa cho 46 học sinh ưu tú đến từ Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An và Hà Tĩnh đặt chân đến đất nước mặt trời mọc. Năm 2015, chương trình mở rộng ra các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế và Đà Nẵng với 96 học sinh nhập học ĐH IPU. Và trong năm 2016, ngoài 9 tỉnh thành phố đã triển khai, học bổng Soshi tiếp tục mở rộng tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Nam và tỉnh Quảng Nam.
Tổng số thí sinh 12 tỉnh thành tham dự lên tới gần 3.000 học sinh, trong đó riêng Hà Nội đã có 752 học sinh dự thi, 268 học sinh đạt học bổng trong đó có 3 học sinh đạt loại A (100% học phí); 105 học sinh đạt loại B (50% học phí) và 160 học sinh đạt loại C (30% học phí) với tổng giá trị học bổng hơn 64 tỷ đồng.
Để dành được học bổng SOSHI, học sinh phải có điểm tổng kết hàng năm từ 6.5 trở lên và trải qua cuộc thi viết trong 90 phút gồm 3 phần: Trắc nghiệm Toán, Trắc nghiệm ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật) và Viết luận (tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc tiếng Việt).
Ông Tadao Nakahara – Hiệu trưởng trường ĐH IPU cho biết: “Hiện nay trong chương trình học đại cương, chúng tôi cung cấp các lớp học về văn hóa, kinh tế và lịch sử Nhật Bản để các sinh viên có các tri thức ban đầu về kinh tế và lịch sử của Nhật Bản.
Chúng tôi rất coi trọng việc học thật, nghĩa là dù trong giờ học, thực hành, hay đi thực tập, thực tế thì các bạn sinh viên sẽ đc tiếp cận các kiến thức thực tế để làm thật, học thật. Vì vậy tôi đưa con số tỷ lệ ước lượng là 70-30, tức là giờ học trên lớp là 70% và số giờ thực hành là 30%.
Ngoài ra, khi dạy về lịch sử và kinh tế của Nhật Bản, chúng tôi không chỉ dạy về thành công mà còn dạy về các thất bại cho các bạn sinh viên. Khi học về thành công chúng tôi sẽ phân tích các lý do chúng tôi đã thành công. Còn khi học về thất bại chúng tôi sẽ có những sự kiểm điểm đưa ra những phân tích vì sao lại thất bại và làm sao để tránh được các thất bại đó”.
Còn ông Takahiro Kojima, Giám đốc khoa quốc tế ĐH IPU thì chia sẻ: “Các du học sinh Việt Nam đang học tập tại trường đều có những nguyện vọng khác nhau. Nhiều em mong muốn về lại Việt Nam, nhiều em muốn ở lại Nhật Bản 2-3 năm để lấy kinh nghiệm sau đó về Việt Nam làm việc. Chúng tôi không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào là các bạn phải ở lại Nhật Bản hay Việt Nam làm việc mà chúng tôi sẽ căn cứ vào nguyện vọng của sinh viên để đưa ra những hỗ trợ tốt nhất”.