Dạy chữ cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1: Càng học trẻ càng sợ
Nhiều trẻ đã được bố mẹ cho vào lò luyện chữ |
Chạy sô đưa con đi học
Bắt đầu từ cuối tháng 4, chị Thảo (Kim Mã, Ba Đình) đã tìm mọi mối quan hệ gửi cô con gái chuẩn bị vào lớp 1 cho một cô giáo ở trường Chu Văn An dạy chữ. Chị hy vọng, sau 4 tháng học ở nhà cô, chị sẽ xin được cho con học chính thức của cô ở trường tiểu học.
“Lớp học của cháu chỉ hơn 10 cháu, không phải phụ huynh nào muốn cho con học cũng được. Phải có người quen giới thiệu cô mới nhận. Tuần cháu học một buổi, từ nay đến cuối tháng 8, hiện tại cháu đang tập tô các nét chữ” – chị Thảo nói.
Song song với việc cho học chữ, chị Thảo còn cho con học thêm tiếng Anh, học đàn. Vậy là ngoài việc đi học ở trường mầm non, tuần 2 buổi tối chị lại đưa con đến trung tâm ngoại ngữ, một buổi học chữ và thêm 2 buổi học đàn, tới đây chị muốn cho con đi học bơi…
“Trước mình thiệt thòi không được học hành đàng hoàng, giờ có điều kiện đành cố trang bị cho con đầy đủ. Tôi cũng phải sắp xếp thời gian để đưa đón con đi học, chẳng còn cách nào khác” – chị Thảo phân trần.
Lý giải tình trạng này, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục – Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, bên cạnh tâm lý thích khoe con (tâm lý sính bệnh thành tích) của không ít các vị phụ huynh, các cha mẹ còn có tâm lý quá lo lắng cho con. Các cha mẹ sợ rằng con sẽ thua kém bạn bè, sẽ chán nản và thiếu tự tin. Vì thế, biết rõ ràng là nếu con có học trước thì vào con sẽ vẫn học lại từ đầu, các cha mẹ vẫn đầu tư cho con đi học.
Theo quan điểm của TS Hương thì việc học này không có ý nghĩa đối với trẻ. Bởi trẻ có tới 5 năm cấp tiểu học để làm quen dần với việc học hành. 5 năm đó, chúng ta sẽ thấy, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các cháu làm quen. Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 không những là thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác như làm cho các bé sợ học, ghét học, chán nản và phá phách. Thậm chí cả những hệ lụy khác mà trẻ sẽ gặp phải về sức khỏe khi phải học quá sớm.
Đã quyết nhưng rồi lại phải theo
Một trường hợp khác cũng đã kiên quyết không cho con đi học trước nhưng rồi đành phải thay đổi ý định. Nguyên nhân được ông bố này đưa ra là do con đầu anh chị không cho đi học trước, cả học kỳ một con anh lúc nào cũng bị cô giáo phàn nàn chậm hiểu, không theo kịp các bạn khiến tối nào vợ anh cũng đánh vật với con, đứa thứ 2 anh cho đi học luôn từ cuối tháng 4.
Ngồi đợi con tan học, anh bảo “dù muốn cho con chơi nốt mấy tháng hè, dù không hề muốn cho con đi học trước, dù biết có học cũng bằng thừa nhưng thôi đi cho lành bởi vào đầu năm học tất cả các bạn đều biết rồi, con mình không biết thì cả bố mẹ và con cái lại mệt”.
Với tình huống này, TS Hương cho rằng cha mẹ hãy kiên nhẫn. Chị cũng kể ra ví dụ về chính cô con gái của mình, mặc dù mẹ là giảng viên khoa tiểu học thật đấy nhưng vẫn bị cô giáo chê bai hết việc này đến việc khác. “Tôi nhớ rằng họp phụ huynh đầu năm học lớp 1, tôi nghe cô giáo chê con tôi mọi điểm, cháu chỉ được khen duy nhất có ăn ngoan và ngủ ngoan. Nhưng cho đến giờ, khi đã học gần hết lớp 9, tôi thấy cháu không hề có vấn đề gì về chuyện học hành, cháu luôn vững vàng, học tập nghiêm chỉnh, nhận thức rõ ràng việc học là quyền lợi và nghĩa vụ tối cao của mình” – TS Hương cười nói.
Vì thế, theo TS Hương thì đối với trẻ sắp bước vào lớp 1, con sẽ gặp phải là sự khó khăn khi đổi môi trường học tập, những khác biệt giữa tiểu học và mầm non. Cha mẹ cần thiết phải cho con làm quen với việc này, cho con qua trường tiểu học, giới thiệu cho con mọi thứ, cùng con đi sắm đồ dùng học tập, trò chuyện cùng con về cấp tiểu học. Ngoài ra, cha mẹ cũng rất cần chuẩn bị trước kiến thức và tâm lý để chiến đấu cùng con cấp tiểu học.
Trong đó, việc quan trọng nhất mà cha mẹ phải lo lắng dạy con suốt 5 năm học hành đầu đời là: Dạy con biết học là nhiệm vụ của mình. Dạy con biết học là quyền lợi to lớn của con. Dạy con học tập trung. Dạy con biết tự giác học bài. Dạy con biết tự chăm lo cho bản thân khi không có cha mẹ ở bên cạnh. Dạy con biết tự ứng xử, ứng phó trong các tình huống và đặc biệt là các tình huống nguy hiểm.
“Nhiệm vụ có rất nhiều nhưng nói chung, các cha mẹ phải tách bạch rõ ràng: Học là việc của con, và con đủ sức theo đuổi mọi việc. Đừng nghĩ con quá bé bỏng mà làm hộ con mọi việc, như vậy sẽ chỉ làm hại con mà thôi” – TS Hương nhấn mạnh.