“Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình TPHCM Trần Văn Trị, thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc vào năm 2015 cho thấy, số trẻ em gái đã kết hôn trước tuổi 18 tại Châu Á - Thái Bình Dương là 59 triệu trường hợp; số trẻ em gái tuổi từ 15 đến 17 tại các nước đang phát triển đã từng sinh con là 20.000 trường hợp. Ước tính. số ca phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 đến 19 là 3,2 triệu ca; tỷ lệ trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước tuổi 15 là 10%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên chiếm khoảng 1/5 dân số. Nhóm dân số này là lực lượng xã hội to lớn và là nhân tố quan trọng quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ vị thành niên đều được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên.
Nhằm kêu gọi các quốc gia tăng cường hơn nữa sự quan tâm chăm sóc trẻ em gái vị thành niên, nhóm dân số dễ bị tổn thương, Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc đã quyết định chọn chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm 2016 là: “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.
Hướng ứng thông điệp Ngày Dân số Thế giới, Việt Nam đã cam kết thúc đẩy, hỗ trợ và bảo vệ các quyền của trẻ em gái vị thành niên để các em có thể tự đưa ra các quyết định cho cuộc sống của mình trong tương lai; đồng thời tăng cường công tác vận động cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh thiếu niên, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức tôn giáo và chính trẻ em gái vị thành niên trong việc định hình các chính sách có tác động tới cuộc sống của các em…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết, TP.HCM đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, trong đó trẻ vị thành niên đóng vai trò quan trọng trong việc kế thừa lực lượng lao động trẻ và quyết định chất lượng dân số của thành phố trong tương lai. Những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ, chăm sóc, phát triển vị thành niên.
Tuy nhiên cùng với sự phát triển, những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống xã hội về nhiều mặt, những khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ đến vị thành niên. Đây là lúc thành phố cần phải xem lại các chương trình, hoạt động dành cho vị thành niên đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên để có thể hỗ trợ được tốt hơn, toàn diện hơn.
Nhân dịp này, Sở Y tế TP.HCM đã tổng kết Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản tại TPHCM giai đoạn 2011-2015. Theo đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hàng năm đạt khoảng 70%, trong đó sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 65%; tỷ số giới tính khi sinh được giữ ở mức hợp lý, duy trì ở mức 106 - 107 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ phá thai giảm từ 75,83 ca phá thai/100 ca sinh sống năm 2010 xuống còn 42,96 ca phá thai/100 ca sinh sống năm 2015. đồng thời cơ bản loại trừ phá thai không an toàn...