Đau rát vùng kín, cô gái trẻ điếng người vì mắc liền lúc hai bệnh tình dục
H. đến bệnh viện khám vì thường xuyên viêm nhiễm, đi tiểu buốt và đau rát vùng kín. Kết quả xét nghiệm cô dương tính với cả hai vi khuẩn gây bệnh lây qua đường tình dục.
Nguyễn Thùy H. (23 tuổi, trú tại Hà Nội) đến khám sản khoa vì thường xuyên thấy viêm nhiễm và đặc biệt bị đi tiểu buốt. Mỗi lần ân ái, 'cô bé' đau rát khó chịu thậm chí có chảy máu.
Bác sĩ cho làm xét nghiệm phát hiện H. dương tính với vi khuẩn gây bệnh lậu và cả vi khuẩn Chlamydia, cả hai vi khuẩn này đều lây qua đường tình dục. Bác sĩ yêu cầu H. liên hệ với bạn tình thì cô gái không biết nên gọi bạn tình nào đến bởi hiện tại cô quan hệ song song với bạn trai mới và cả đồng nghiệp. H. cũng không biết cô lây bệnh từ ai.
Khi biết mình mắc bệnh lây qua đường tình dục, H. rất lo lắng, sợ bệnh sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản trong tương lai.
Chlamydia là một bệnh tế nhị, khó nói khiến nhiều người có tâm lý e ngại và giấu bệnh hoặc tự điều trị sai phương pháp dẫn đến các biến chứng khôn lường.
Ảnh minh họa. |
ThS.BS. Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Phòng Đào tạo, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh Chlamydia là bệnh thầm lặng nhưng lại nguy hiểm vì có nhiều biến chứng.
Năm 2020 trên toàn thế giới có 129 triệu người mắc bệnh Chlamydia. Nhiễm Chlamydia gặp cả hai giới nam và nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục. Nhóm đối tượng dễ mắc như gái mại dâm, người quan hệ tình dục đồng giới.
Các đường lây truyền chủ yếu của Chlamydia là qua đường tình dục, qua các dịch tiết niệu đạo, âm đạo. Dịch tiết này có chứa vi khuẩn Chlamydia và khi quan hệ tình dục không được bảo vệ thì vi khuẩn này theo dịch tiết lây nhiễm cho bạn tình.
Bác sĩ Tuyến cho biết, nhiễm Chlamydia thầm lặng và nguy hiểm. 70% người nhiễm Chlamydia ở nữ giới không có triệu chứng. Người bệnh không biết để thăm khám nên trở thành nguồn lây nhiễm trong cộng đồng vì vậy tỷ lệ lây nhiễm Chlamydia cao.
Người mẹ mang thai nhiễm Chlamydia có thể lây cho con gây viêm phổi, viêm kết mạc cho trẻ sơ sinh do vi khuẩn Chlamydia.
Dấu hiệu của bệnh đa dạng từ không có triệu chứng đến các triệu chứng viêm tiết niệu, sinh dục. Nam giới nhiễm Chlamydia hay có biểu hiện tiểu buốt, tiểu khó hoặc khi thăm khám bác sĩ thấy tiết dịch niệu đạo, miệng sáo sung nề.
Nữ giới có các biểu hiện như tiết dịch bất thường của âm đạo, đau khi quan hệ tình dục hoặc chảy máu.
Với người có quan hệ đường sinh dục miệng, đường hậu môn cũng có biểu hiện lâm sàng như tình trạng tiết dịch của trực tràng, đau ở hậu môn trực tràng, đau họng, viêm họng.
Đặc biệt, nhiễm Chlamydia ở trẻ sơ sinh phổ biến nhất là viêm kết mạc, nặng hơn trẻ có thể bị viêm phổi.
BS Tuyến cho biết, khi xác định người bệnh nhiễm Chlamydia cần điều trị sớm. Đặc biệt cần điều trị đúng phác đồ tránh tình trạng kháng thuốc. Bạn cần thông báo cho bạn tình để bạn tình cũng phải thăm khám, làm xét nghiệm chẩn đoán xem có mắc bệnh hay không.
Ngoài ra, bác sĩ cũng kiểm tra có bệnh đồng nhiễm hay không nhất là bệnh lậu. Có những bệnh nhân cùng lúc nhiễm 2, 3 bệnh tình dục như bệnh lậu, sùi mào gà. Khi điều trị Chlamydia cần kiêng quan hệ tình dục trong một tuần.
Biện pháp dự phòng nhiễm Chlamydia chủ yếu dựa trên các yếu tố như quan hệ tình dục an toàn. Khi phát hiện nhiễm Chlamydia, người bệnh cần điều trị tại cơ sở y tế có chuyên môn để cắt đứt nguồn lây cho cộng đồng, điều trị cả cho bạn tình.
Phụ nữ có thai cần sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm Chlamydia. Nếu phụ nữ mang thai không được chẩn đoán, điều trị trong quá trình chuyển dạ sinh thường phải điều trị dự phòng cho trẻ sơ sinh bằng thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ.
K.Chi