Dầu mỏ sẽ chấm dứt vai trò độc tôn trên thị trường năng lượng toàn cầu?
Bloomberg đưa tin, công ty dầu khí Total của Pháp mới đây đã dự báo kỷ nguyên dầu mỏ sẽ chấm dứt sau năm 2030.
Theo đó, các nhà phân tích của Total tin tưởng rằng thế giới sẽ dần chuyển sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn, cụ thể là khí đốt tự nhiên. Công ty nhận định rằng loại nhiên liệu này sẽ đóng vai trò then chốt trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Dầu mỏ sẽ chấm dứt vai trò độc tôn trên thị trường năng lượng toàn cầu? (Ảnh: RIA) |
Ngoài ra, theo Total, từ nay cho tới năm 2050 nhu cầu về điện sẽ tăng lên đáng kể. Nguồn năng lượng này sẽ đáp ứng tới 40% nhu cầu năng lượng của nhân loại. Hiện tại, thị phần là gần 20%.
Total dự định đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cũng như nghiên cứu chế tạo các loại ắc quy và phát triển mạng lưới trạm sạc dành cho ô tô.
Năm 2019, thị trường khí đốt thiên nhiên chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng nguồn cung nhiên liệu LNG và giảm giá khí tại các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á. Nhu cầu khí cũng tăng mạnh. Tại Mỹ, sản xuất điện khí tăng gần 8% trong năm 2019, giúp giảm 16% sản lượng điện than. Tại châu Âu, điện khí tăng hơn 50% so với điện than, mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Tại thị trường châu Á, tiêu thụ khí giảm ở cả hai thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí đốt của Trung Quốc đạt 12%, thấp hơn so với giai đoạn bùng nổ 2016-2018. Nhập khẩu của Ấn Độ không thay đổi trong nửa đầu năm 2019, sau đó tăng trung bình 6% trong cả năm. Theo nghiên cứu của McKinsey, sự tăng trưởng lượng nhập khẩu LNG trên toàn châu Á năm 2019 không đủ để hấp thụ đáng kể nguồn cung LNG toàn cầu. Kết quả là nhập khẩu và lưu trữ LNG tại thị trường châu Âu tăng mạnh, góp phần giảm giá khí tại thị trường này.
Trước đó, trong hội nghị trực tuyến S&P Global Platts (APPEC) 2020, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ xảy ra một cú sốc nữa. Theo tin của CNBC, cú sốc này là sự sụp đổ về nhu cầu tiêu thụ sắp xảy ra.
Cụ thể, đến cuối năm, mức sụt giảm nhu cầu về dầu thô trên toàn cầu sẽ là 8 triệu thùng/ngày. Hơn nữa, các chỉ số trong năm tới cũng không thể trở về được mức trước khủng hoảng. Nhu cầu về dầu vẫn giảm do các hạn chế cách ly phòng dịch và lượng dầu dự trữ tại các kho chứa đang tăng lên.
Để đối phó với tình trạng dư thừa nguồn nhiên liệu không cần thiết, các nhà sản xuất lớn đã thuê tàu chở dầu để sẵn sàng tích trữ lượng dầu thừa trong trường hợp cần thiết. Cụ thể, Trafigura Group, hãng kinh doanh dầu độc lập lớn thứ hai thế giới, gần đây đã đặt khoảng 12 tàu chở dầu cỡ lớn có thể chứa tổng cộng 24 triệu thùng dầu thô.
Nhìn chung, trên thị trường nhận định rằng thời đại nhu cầu tiêu thụ dầu liên tục tăng đã đi đến hồi kết. Ví dụ, hãng BP của Anh chắc chắn rằng mức độ tiêu thụ loại sản phẩm này có thể không phục hồi được trong 30 năm tới.
Giao tranh Armenia - Azerbaijan không ngừng 'nóng', Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc
Hôm 29/9, thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan thông trên Facebook cho biết, tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ Su-25 của Armenia.
Thanh Bình (lược dịch)