Ù tai, mờ mắt vì căn bệnh khoảng 30% người Việt mắc
Những ngày này, thời tiết chuyển mùa, Hà Nội se lạnh cũng là lúc chị Minh (45 tuổi) khốn khổ vì những cơn đau rát mũi, kéo lên hai hốc mắt, thốc lên thái dương khiến người chị lúc nào cũng trong tình trạng bứt rứt, khó chịu.
Khốn khổ hơn, phần dịch xoang không chảy ra mũi mà lại xuống họng, mắc ở cuống họng, đặc quánh, chị Minh ho khạc liên tục nhưng không hết.
“Người lúc nào cũng trong trạng thái hâm hấp sốt. Đầu đau, họng rát vì ho nhiều, đôi lúc thấy ù hết cả tai. Đáng sợ hơn, sau mỗi đợt như thế mắt tôi lúc nào cũng cảm giác lèm nhèm,… rất mờ”, chị Minh cho biết.
Không thể chịu được, người phụ nữ này phải tìm đến bác sĩ tai mũi họng cầu cứu. Theo bác sĩ, chị Minh bị xoang mạn tính biến chứng nặng. Nguyên nhân là do chị chủ quan không điều trị dứt điểm ngay từ những đợt đầu tiên viêm mũi xoang cấp. Đáng ngại là, rất nhiều người chung tình cảnh như chị Minh.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS. bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, viêm mũi xoang mạn tính là một bệnh lý gây khó chịu cho rất nhiều người. Hiện ước tính có khoảng 30% dân số mắc viêm xoang mũi được phân bố tuỳ theo địa phương, vùng miền.
“Mặc dù viêm xoang mạn tính không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng rất ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống do thường xuyên hắt hơi, có thể cái một hay từng tràng…
Người bệnh thường xuyên chảy nước mũi có thể ra bằng mũi trước hoặc xuống họng gây cảm giác dịch xuống họng và ho. Dịch vào đường hô hấp dưới về lâu dài sẽ gây giãn phế nang không có khả năng hồi phục (hội chứng xoang – phế quản), biểu hiện bằng dấu hiệu khó thở không đáp ứng với các thuốc điều trị”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào thông tin.
Ngoài ra, người mắc xoang mạn tính cũng thường xuyên rơi vào tình trạng nghẹt mũi, do đó tinh thần thường không tỉnh táo, hay mệt mỏi, ngáp vặt… Cũng có những trường hợp bệnh nhân xuất hiện, giảm hoặc mất khứu giác khiến người bệnh không có cảm giác ăn ngon.
Đáng lưu ý, người mắc viêm xoang mạn tính thường xuyên rơi vào tình trạng đau đầu nhất là vùng tương ứng với các xoang như: hốc mắt, má, trán, sau gáy… đau theo giờ, đau nhiều đến mức bệnh nhân không ăn không ngủ được.
Trong quá trình thăm khám, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào từng gặp nhiều trường hợp bị viêm xoang mạn tính kéo dài không được điều trị dứt điểm dẫn đến ù tai. Nguyên nhân là do dịch mũi xoang bít lấp đường thông từ mũi sang tai làm người bệnh không thấy thoải mái.
Đáng ngại là người mắc viêm xoang mạn tính thì thị lực sẽ giảm dần tỷ lệ thuận với thời gian viêm mũi xoang mạn.
Câu hỏi được đặt ra vậy viêm xoang có chữa khỏi được không?
Trả lời băn khoăn này, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho biết, viêm mũi xoang cấp trong giai đoạn đầu, nếu người bệnh phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc thì sẽ chữa khỏi hẳn, thời gian trung bình 4 – 6 tuần.
Tuy nhiên, nếu bệnh diễn biến thành viêm mạn tính, niêm mạc mũi xoang và lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi xoang đã biến đổi thì không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ chữa cho bệnh ổn định, không triệu chứng và không gây các biến chứng cho mắt, cho phổi.
Để phòng bệnh, các chuyên gia cho rằng người bệnh nên đi khám và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người mắc viêm xoang cũng cần duy trì các thói quen như: vệ sinh mũi xoang hằng ngày với dung dịch xịt rửa mũi xoang có nồng độ nước muối sinh lý 0.9%; Tập thể dục thể thao như đi bộ, chạy bộ, yoga; Kiêng đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hay đồ ăn đồ uống quá lạnh; Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và đeo khẩu trang tránh bụi hoặc mũ, khăn choàng tránh gió, thời tiết lạnh.
PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào cũng khuyến cáo, người mắc viêm xoang cần ăn uống và sinh hoạt điều độ, không để cơ thể chịu sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ như: để điều hòa trong phòng chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ môi trường. Một điều cần lưu ý là không bơm rửa, không xì mũi mạnh, nhất là khi bạn đang có đợt viêm mũi họng cấp.
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của viêm xoang là đau xoang hoặc cảm thấy áp lực xung quanh má trên, trán hoặc phần bên trong của mắt. Chảy dịch mũi sau là dấu hiệu nhận biết khác của nhiễm trùng xoang. Các triệu chứng này thường xảy ra cùng với dấu hiệu thông thường khác như sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Các dấu hiệu nhận biết khác của nhiễm trùng xoang bao gồm đau răng, hơi thở hôi và nước mũi có màu khác nhau. |
N. Huyền