Đào tạo nghề phải gắn với sản xuất nông nghiệp
Theo kế hoạch của Hội Nông dân Việt Nam, năm 2013, Hội Nông dân trên khắp cả nước sẽ tổ chức và phối hợp để dạy nghề cho 250.000 nông dân, trong đó Hội Nông dân các cấp trực tiếp dạy và cấp chứng chỉ nghề cho 40.000 nông dân. Đây là con số không nhỏ nhưng trên thực tế, chất lượng và hiệu quả dạy nghề ở khu vực nông thôn còn yếu, chưa gắn kết với ngành nghề nông nghiệp nên khi học xong nghề, một số lao động lại đi ra thành thị. Vì vậy, để việc đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân các cấp cần dạy các nghề gắn với nông nghiệp như: Nghề trồng lúa đi đôi với ứng dụng khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao; chăn nuôi kỹ thuật cao; sản xuất rau an toàn hoặc các ngành nghề truyền thống địa phương…
Đại diện Hội Nông dân một số địa phương cho rằng, ngoài việc đổi mới trong dạy nghề, Hội Nông dân cần góp sức nhiều hơn nữa vào xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, tuyên truyền cho nông dân hiểu đây là cách sản xuất tốt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và được ưu tiên trong cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, phải tham gia vào cánh đồng mẫu lớn mới có thể hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp do dư thừa lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…
Một số đại biểu cũng đề nghị, để đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế ở nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam cần kiến nghị lên Nhà nước cho phép bổ sung nguồn vốn riêng đối với đào tạo nghề để Hội Nông dân các cấp có thể tự điều tra nhu cầu và số lượng cần đào tạo, từ đó có kế hoạch cụ thể từ đầu và lâu dài hơn, không phải phụ thuộc vào dự báo của các ngành khác/.