Danh tiếng, tư tưởng giáo dục tiến bộ không có nghĩa là sách CNGD toàn bích
GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng nên khách quan, rạch ròi khi đánh giá về chương trình "Công nghệ giáo dục" với tư tưởng về giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. |
Không nên lấy uy tín của một trường để chứng minh ưu việt của “Công nghệ giáo dục”!
Những ngày qua, xã hội đặc biệt quan tâm đến việc dạy-học đánh vần cho học sinh lớp 1. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về cách dạy-học đánh vần, trong đó cách đánh vần theo ngữ âm của sách “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại.
Không ít ý kiến bảo vệ GS Hồ Ngọc Đại và "Công nghệ giáo dục" bằng cách dẫn chứng trường hợp GS Ngô Bảo Châu cũng học chương trình này và thành đạt; phụ huynh đạp đổ cổng Trường Thực nghiệm để xin học cho con... Với tư cách là người làm khoa học, GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - cho biết, ông không đồng tình với lập luận này.
"Tôi cho rằng, không thể lấy uy tín của Trường Thực nghiệm, thành công của một cá nhân nào đó để chứng minh Công nghệ giáo dục là vượt trội” - chuyên gia hàng đầu về ngữ âm học chia sẻ.
GS Nguyễn Văn Lợi khẳng định, tài liệu “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại còn nhiều “sạn”, kiến thức nặng so với năng lực của học sinh 6 tuổi.Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam – cũng cho rằng, Trường Thực nghiệm tốt không có nghĩa là phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại tốt và ngược lại.
Khi đánh giá về “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” - tài liệu đang được đưa vào trường giảng dạy cho gần 800.000 học sinh lớp 1 - không nên lấy danh tiếng, uy tín của Trường Thực nghiệm ra để cho rằng sách của GS Hồ Ngọc Đại là ưu việt. Vì vậy, cần rạch ròi, khách quan khi đánh giá.
“Phương pháp đánh vần trong sách Tiếng Việt lớp 1 chỉ là một phần trong việc tạo dựng môi trường Thực nghiệm của GS Đại, trong đó còn có cả các yếu tố tâm lý học, xây dựng môi trường học, ứng xử của giáo viên với học sinh, quan điểm và mục tiêu giáo dục…”- GS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.
Nể trọng GS Hồ Ngọc Đại vì có tư tưởng giáo dục tiến bộ
GS-TSKH Nguyễn Tuyết Minh - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có thể sách của GS Hồ Ngọc Đại có sạn, nhưng phương pháp thì rất tốt và quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại về giáo dục vô cùng tiến bộ.
Những tư tưởng ông đưa ra từ mấy chục năm trước, như lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng học sinh, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “đi học là hạnh phúc”… đến giờ vẫn còn giá trị.
Bà Minh kể, con bà chỉ học Trường Thực nghiệm được nửa năm, sau đó sang Nga cùng mẹ, nhưng bà cảm nhận sự thay đổi của con mình khi được học ở Trường Thực nghiệm và trải nghiệm phương pháp giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, cũng như các giáo viên ở đây.
“Tôi có con từng học ở Trường Thực nghiệm và học sách của GS Hồ Ngọc Đại, chưa bàn đến sai sót trong sách tiếng Việt, nhưng tôi thấy giáo viên rất tôn trọng học sinh. Điều này khiến các cháu sau này tự tin hơn, được thể hiện quan điểm của mình”- PGS Tuyết Minh chia sẻ.
PGS Tuyết Minh mong dư luận nên rạch ròi giữa tài liệu “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” với những quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại về giáo dục; không nên đánh đồng, chỉ trích nặng lời với nhà một nhà giáo tâm huyết như ông.
(Tít bài do Infonet đặt lại)
Theo Lao động