Dân vận Gia Lai: Tăng cường tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số
Gia Lai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 34 dân tộc, chiếm 44,93% tổng dân số toàn tỉnh (trong đó Jrai chiếm 31%, Bahnar 12,75%, còn lại là các dân tộc khác).
Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn cao (49.624 hộ, chiếm 82,9% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp; tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ma lai, thuốc thư còn xảy ra ở một số nơi.
Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tuy nhiên tổ chức phản động Fulro, Tin lành Đê-ga vẫn lợi dụng kích động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chống đối chính quyền, lôi kéo người vượt biên, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngay khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 01-TT/TU ngày 14/12/2015 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời tăng cường lãnh đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc, các cấp, các ngành tổ chức học tập quán triệt Chỉ thị 49-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
Tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác dân tộc để đánh giá toàn diện tình hình đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh...
Các cấp chính quyền trong tỉnh cũng đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới...
Đến nay, 100% thôn, làng với 96% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng được phủ sóng phát thanh, truyền hình và sóng điện thoại di động; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới phương thức, đa dạng hóa hình thức hoạt động của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể để tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số vào tổ chức.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay.