Đắk Lắk: DN dùng giấy phép làm “bùa hộ mệnh” rút ruột tài nguyên
Lợi dụng giấy phép?
Trong buổi làm việc với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng Phòng Quản lý Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp giấy phép cho 16 đơn vị khai thác cát trên địa bàn với hợp đồng từ 20-30 năm.
Trong hợp đồng quy định rõ, thời gian thực hiện việc khai thác cát từ 6h sáng đến 18h tối mỗi ngày. Bên cạnh đó, khoảng cách cắm vòi rồng để hút cát được quy định phải cách bờ từ 4-6m, tùy theo tàu lớn hay nhỏ.
Tàu cát đang khai thác trên sông Krông Ana, đoạn qua buôn Mliêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. |
Ông Thiềm khẳng định lại: “Các doanh nghiệp chỉ được khai thác cát ở lòng sông, cách bờ từ 4-6m, nếu hút vào bờ là sai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ được thực hiện việc khai thác cát theo khung giờ quy định từ 6h sáng đến 18h tối. Doanh nghiệp nào hoạt động ngoài khung giờ này là vi phạm”.
Cũng theo ông Thiềm, ngoài những quy định trên, doanh nghiệp nào để cho tàu lạ chưa được cấp phép tiến hành khai thác cát trên địa phận của mình mà bị phát hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định.
“Khi được cấp phép, mỗi doanh nghiệp đều phải đăng ký số tàu khai thác, tàu dự phòng, trọng lượng của mỗi tàu…sau đó, Sở sẽ cấp số thứ tự cho tàu của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào khai thác cát mà tàu không có số cũng vi phạm”, ông Thiềm thông tin thêm.
Như vậy, hợp đồng khai thác quy định rất rõ về thời gian và khoảng cách khai thác cát trên sông đối với các doanh nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế, các doanh nghiệp đã cố tình vi phạm, chủ yếu khai thác vào ban đêm, cắm vòi sát bờ, vin vào việc được cấp giấy phép để “rút ruột” những dòng sông một cách vô tội vạ.
Nhiều DN vịn vào việc được cấp giấy phép để “rút ruột” những dòng sông một cách vô tội vả. |
Qua điều tra của PV Infonet thì trên địa bàn sông Krông Ana, điển hình là đoạn chảy qua buôn Mliêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), nhiều người dân nơi đây đang rất bức xúc vì tình trạng tàu cát liên tục hoạt động nhộn nhịp suốt cả ngày lẫn đêm gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân mất đất sản xuất và có nguy cơ sập luôn cả nhà.
Anh Đ.V. H (ngụ buôn Mliêng) cho biết: “Ở đây, cứ 3-4h sáng các tàu cát đã xuất hiện. Khi tàu cát tiến hành khai thác, chúng tôi không tài nào ngủ được vì tiếng động cơ ồn ào và nền nhà rung lên từng hồi”.
Cũng theo anh H, vào ban ngày, các tàu cát vẫn cố tình chọc vòi rồng sát vào bờ để hút cát cho nhanh. Bên cạnh đó, trên mỗi đoạn sông đều có người của tàu cát làm nhiệm vụ cảnh giới. Mỗi lần thấy người dân hay lực lượng chức năng xuất hiện, người cảnh giới sẽ ra ám hiệu báo cho người dưới tàu lùi ra giữa sông.
Anh H bức xúc: “Trước đây người dân với người trên tàu cát đánh nhau mấy lần rồi nhưng tàu cát vẫn không e sợ. Giờ họ còn cho người cảnh giới để qua mắt lực lượng chức năng và người dân, cố hút cát trong bờ sông. Bà con trong buôn thật sự rất bức xúc nhưng không biết làm sao để bảo vệ đất của mình.
Hiện tại trên sông Krông Ana qua địa bàn buôn, tình trạng sạt lở đã xảy ra rất nghiêm trọng, rất nhiều hộ dân mất đất, có điểm sạt lở chỉ còn cách nhà dân khoảng 100m. Nhiều lúc bà con kéo ra "chửi" tàu cát, người phía dưới tàu trả lời cộc lốc rằng “đã được cấp phép rồi".
Mặc nhiên hoành hành
Khoảng 3h sáng 19/3/2017, PV Infonet cùng một người dân đi thả cá trên sông Krông Ana, đoạn qua buôn Mliêng nhằm mục đích xác minh những thông tin mà bà con nơi đây phản ánh.
Từ đầu đến 2 phút 06 giây là cảnh sạt lở khoảng 2km tại sông Krông Nô, đoạn qua xã Ea Rbin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Đoạn còn lại là cảnh các tàu cát khai thác ban đêm và có tàu của Công ty Sông Núi hút sát vào bờ sông.
Đến gần 4h sáng, có một chiếc tàu khai thác cát của Công ty Sông Núi xuất hiện. Thấy có thuyền trên sông, hai nhân viên công ty này soi đèn thăm dò. Chỉ khi thấy PV lụi cụi giăng lưới, họ mới cho thuyền áp sát vào bờ rồi tiến hành hút cát.
Để có bằng chứng, PV liền lấy máy ảnh ra chụp. Thấy ánh đèn flash lóe lên, hai nhân viên trên tàu cát liền ngừng máy rồi lấy điện thoại ra gọi cho một ai đó. Chẳng biết họ trao đổi với nhau những gì nhưng sau cuộc điện thoại chớp nhoáng ấy, hai nhân viên trên tàu cát của Công ty Sông Núi lại tiếp tục nổ máy làm việc.
Người dân đi cùng PV nói: “Chắc họ gọi cho ông chủ đó, họ hút nhanh lắm, khoảng 30 phút là xong thôi, anh coi tranh thủ chụp hình, ghi lại bằng chứng. Cái vòi rồng của tàu cái dài tầm 20-30m, họ có đứng xa cũng chĩa được vào bờ đó. Đây là khu dân cư, tàu cát cứ bất chấp hút vào bờ kiểu này, mai mốt không những đất sản xuất mất mà nhà dân cũng mất”.
Tàu khai thác cát của Công ty Sông Núi đang hút rất sát bờ sông, ngay chỗ sạt lở. |
Khi thấy PV chụp hình, một người đứng chặn biển số tàu và tên công ty lại. |
Tiếp đó, đến khoảng 4h30, lại xuất hiện thêm một số tàu cát trên sông Krông Ana, đoạn qua buôn Mliêng. Những chiếc tàu khai thác cát mà PV ghi nhận được tại hiện trường đều thuộc Công ty Sông Núi và Công ty CP VLXD Tây Nguyên. Tại thời điểm trên, Infonet phát hiện có một chiếc tàu cát của Công ty Sông Núi đã tiến hành khai thác cát sát bờ. Khi thấy PV leo lên bờ chụp hình, một nhân viên trên tàu cát của Công ty Sông Núi liền đứng chặn ngay trước tấm biển có tên công ty này.
Trao đổi với Infonet, ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch xã Đắk Liêng cho biết, thời gian gần đây, xã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân về tình hình sạt lở đất do tàu khai thác cát. Qua kiểm tra, phía xã cũng nắm được tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thẩm quyền của xã có hạn nên rất khó xử lý vấn đề này.
Cũng với vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Diệu, cán bộ Phòng TN&MT huyện Lắk cho biết, việc sạt lở bờ sông, gây mất đất sản xuất nông nghiệp của bà con trên địa bàn là có thật.
Tuy nhiên, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, đó là do mưa lũ, do thủy điện xả nước và cả do việc khai thác cát. Về vấn đề xử lý, ông Diệu cho biết, một số điểm sạt lở nặng, UBND tỉnh đã cho cắm biển cấm khai thác cát. Đồng thời, huyện đang kết hợp với các cơ quan chức năng, tìm hiểu nguyên nhân gây sạt lở trên các đoạn sông để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Nhộn nhịp khai thác cát trong đêm |
Rõ ràng, việc khai thác cát để phục vụ cho xây dựng là điều cần thiết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khai thác cát lợi dụng việc được cấp giấy phép, cố tình lách luật, vi phạm để tận thu, rút ruột những dòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy và khiến nhiều hộ dân mất đất sản xuất như vậy là sai phạm.
Mong rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phải có biện pháp chấn chỉnh, lập lại trật tự của việc khai thác cát trên địa bàn, tránh gây bức xúc, bất bình đối với người dân.
(Còn nữa)