Đại lễ Vu lan 2020 trực tuyến giữa dịch Covid-19 - Thành kính cốt ở cái tâm
Dù bằng phương thức: trực tiếp đến chùa lễ hay thông qua trực tuyến thì tinh thần hiếu đạo của mùa Vu lan vẫn trọn vẹn, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19
Xem trực tiếp Đại lễ Vu lan 3 miền 2020 ở đâu?
Chương trình Đại lễ Vu lan 3 miền 2020 được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình An Viên TV và trên ứng dụng VieON vào lúc 20 giờ tối nay 1-9 (14/7 Âm lịch).
Lễ Vu Lan là một trong những dịp lễ quan trọng của Phật giáo được tổ chức hàng năm vào Rằm tháng 7, đề cao tinh thần báo ân, hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức đại lễ Vu Lan năm 2020 với tinh thần tiết kiệm, trang nghiêm, chuyển tâm thiện thành hành động thiết thực.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời phỏng vấn của VOV.VN về công tác chuẩn bị Đại lễ Vu Lan Phật lịch 2064.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
PV: Lễ Vu Lan đã trở thành một lễ hội văn hoá tinh thần chung của xã hội. Năm nay, trong thời điểm dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn tổ chức, cụ thể là như thế nào thưa Thượng tọa?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Đại lễ Vu Lan là một trong những lễ hội lớn của Phật giáo. Ngày nay, có lẽ cũng không chỉ riêng các tín đồ phật tử mà còn cho tất cả mọi người dân Việt Nam. Đại lễ Vu Lan đã trở thành một lễ hội tri ân, báo ân, báo hiếu của người Việt.
Đến thời điểm này, chúng ta cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn diễn biến cục bộ. Trước tình hình đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 185/HĐTS-VP1 gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; Học viện Phật giáo Việt Nam, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước về việc tổ chức Đại lễ Vu Lan Phật lịch 2064 theo điều kiện bối cảnh thực tế của từng địa phương.
Theo đó, vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, đồng bào Phật tử trong mùa tri ân, báo hiếu.
Ở những địa phương vấn đề dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, vẫn tổ chức Đại lễ Vu lan với tinh thần chống dịch, không tập trung đông, giãn cách đúng quy định của chính quyền địa phương. Vì thế, thay vì tổ chức khoá lễ tập trung vào những ngày chính lễ, có thể chia ra tổ chức nhiều ngày để đảm bảo an toàn cho người dân. Ví dụ như ở Điện Biên và một số địa phương khác, các chùa đã tổ chức từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, chia ra theo từng phường.
Đồng thời, Giáo hội trong văn bản chỉ đạo khuyến khích tăng ni các chùa, các Ban Trị sự tổ chức lễ hội Vu lan trực tuyến qua các ứng dụng và làm sao để đồng bào phật tử, bà con nhân dân vẫn bày tỏ được tình cảm tri ân, báo ân của mình mà không phải tập trung đông người để phòng chống dịch.
Ở những tỉnh, thành phố hiện nay, vấn đề dịch bệnh vẫn phức tạp, Giáo hội chỉ đạo phải thực hiện nghiêm, không tập trung đông người. Ví dụ như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… Giáo hội khuyến khích tổ chức trực tuyến.
Tuy nhiên, việc tổ chức Đại lễ Vu lan trực tuyến không phải chùa nào cũng có thể tiến hành được. Giáo hội thông báo rộng rãi việc tổ chức trực tuyến để cho đồng bào phật tử, bà con nhân dân bố trí thời gian thực hiện.
Tối 1/9 (tức 14 tháng 7 âm lịch) Giáo hội tổ chức lễ Vu Lan ba miền qua cầu truyền hình trực tuyến không khán giả, từ ba điểm cầu tại chùa Quán Sứ, chùa Giác Ngộ và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên). Khán giả khắp các vùng miền kể cả Việt kiều có thể dõi theo nghi lễ. Chúng ta sẽ có mùa lễ trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch. Rút kinh nghiệm từ đại lễ Phật đản, đại lễ Vu Lan trực tuyến này tin rằng sẽ hiệu quả hơn, đến với đông đảo phật tử và nhân dân hơn nữa.
Lễ Vu Lan đã trở thành một lễ hội văn hoá tinh thần chung của xã hội. |
PV: Việc tổ chức lễ Vu lan trực tuyến là hình thức mới trong nghi lễ tâm linh, nhiều người cho rằng nếu không đích thân đến chùa bái lễ sẽ không trọn lòng thành. Điều đó có đúng không, thưa Thượng toạ?
Thượng toạ Thích Đức Thiện: Đối với những lời Đức Phật dạy, không có ảnh hưởng gì trong phương thức bày tỏ. Bởi lẽ rằng, “Phật tại tâm”. Đức Phật dạy tri ân, báo ân, tưởng niệm trong tâm thức của mình, chứ không phải cách mình bày tỏ ở đâu, như thế nào. Cái chính ở lòng thành, con cháu trong những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp cha ông để lại mà chúng ta phải noi theo, phải thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới quan trọng.
Trách nhiệm của những người con là phải báo hiếu với cha mẹ mình, bày tỏ lòng biết ơn của mình với người đã mang nặng đẻ đau và cho chúng ta được sinh ra trên cuộc đời này. Đó là điều hết sức trân quý. Bởi vậy cho nên, bằng những hành động cụ thể, thăm nom, chăm sóc, có những món quà ý nghĩa gửi đến cha mẹ. Đó là những yêu thương từ chính trái tim của mình.
Trở lại vấn đề, không phải chúng ta bày tỏ bằng phương thức nào, dù là trực tiếp đến chùa hay trực tuyến qua các phương tiện truyền thông thì điều quan trọng là tâm chúng ta hướng tới ông bà, cha mẹ, trọn vẹn lòng thành kính. Hoàn toàn không có sự khác biệt trong cách thức bày tỏ.
Tại chùa Phúc Khánh, người dân đăng kí và làm lễ trực tuyến. |
PV: Tuy là đã có thông báo cụ thể lịch tổ chức lễ Vu lan trực tuyến nhưng có thể do nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, nhiều người dân vẫnđến lễ khá đông. Vậy có cách thức gì để đảm bảo công tác phòng, chống dịch không?
Thượng toạ Thích Đức Thiện: Đối với những ngôi chùa thu hút đông đảo phật tử, bà con nhân dân ở Thủ đô Hà Nội, cũng như các địa phương, Giáo hội đã chủ động làm việc từ cuối năm 2019, qua những báo cáo thực tế đã có sự chuyển biến tích cực. Trong mùa Vu lan này, các ngôi chùa đó thực hiện theo chỉ đạo chung là tổ chức trực tuyến.
Còn ở một số nơi có tổ chức thì cũng chia nhỏ theo ngày với tinh thần giãn cách xã hội, không tập trung đông, thực hiện đúng quy định của chính quyền địa phương. Giáo hội đã tuyên truyền từ đầu năm, cho đến mùa Vu lan này vẫn thực hiện theo tinh thần đó. Cùng với đó, để đảm bảo an toàn thì cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tôi tin tưởng rằng, mùa Vu lan này, sẽ không xảy ra tình trạng việc tập trung đông người dân.
Lễ Vu lan tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên trang Facebook của Học Viện Phật giáo Việt Nam. |
PV: Một số người quan niệm rằng sắm lễ phải mâm cao cỗ đầy,… mới thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà. Điều đó có đúng với ý nghĩa của lễ Vu lan không, thưa Thượng toạ?
Thượng toạ Thích Đức Thiện: Thành kính cốt ở cái tâm. Vật phẩm nhiều không nói lên ý nghĩa của lễ Vu Lan. Trong lời dạy của Đức Phật, dạy chúng ta những lễ vật mang đến chùa, là mang đến cái tâm thanh tịnh, lòng thành kính. Chúng ta có mâm cao cỗ đầy, có hoa quả, trái cây, đồ mã…mà tâm không thành thì mọi lễ vật đều không có ý nghĩa, không có giá trị.
Lễ vật là một hình thức cái tâm chúng ta phát ra, lòng thành chúng ta gửi gắm vào đó, chứ không phải nhiều hay ít. Đó là quan niệm của chúng ta với suy nghĩ trần tục của mình chưa thực sự đúng. Còn trong lời dạy của Đức Phật trao truyền cho các đệ tử, vẫn nhấn mạnh làm sao giữ được cái tâm thanh tịnh, làm việc thiện, tránh việc ác. Đấy chính là lòng thành kính nhất, là tâm hương dâng lên Đức Phật, chư vị Bồ Tát thánh chúng, cũng như tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình.
Giáo hội đã có chủ trương, định hướng cho giáo hội các cấp, trụ trì các chùa tổ chức lễ Vu Lan đúng với truyền thống Phật giáo, phù hợp với văn hóa dân tộc, trang nghiêm, văn minh.
PV: Xin cảm ơn Thượng toạ.
Câu chuyện xúc động mùa Vu lan: Đừng bỏ quên cha mẹ!
Tôi còn nhớ như in mùi mồ hôi, chiếc xe dream cũ và mái đầu đã phủ bạc ngày hôm ấy, bác xe ôm già với tấm lưng gầy gò khiến tôi nhớ da diết người bố đã khuất của mình.
Theo vov.vn