Đại gia bất động sản bị bắt, giá bất động sản sắp đi xuống?
Theo nhận định của chuyên gia, khoảng 2-3 tháng tới, thị trường bất động sản sẽ có sự điều chỉnh lại; giá bất động sản cũng sẽ đứng lại và đi xuống từ từ....
Thị trường bất động sản sẽ ra sao khi đứng trước hàng loạt các sự kiện ‘nóng’ liên quan như áp lực nguy cơ lạm phát tăng cao, động thái ‘siết’ tín dụng bất động sản của một số ngân hàng; đặc biệt là việc hai lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn vừa bị khởi tố, bắt tạm giam?
Khoảng 2-3 tháng tới, thị trường bất động sản sẽ có sự điều chỉnh lại; giá bất động sản cũng sẽ đứng lại và đi xuống từ từ... |
Chia sẻ với PV Infonet, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay: Lạm phát cộng với động thái ngân hàng ‘siết’ chặt tín dụng đổ vào bất động sản, đặc biệt khi hai ‘ông lớn’ bất động sản vướng vòng lao lý... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và các yếu tố này đều đang gây bất lợi cho thị trường bất động sản hiện nay.
Theo ông Quang, trước mắt, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tái cơ cấu lại nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp hơn. Đối với người mua cũng sẽ phải thận trọng hơn, cẩn thận hơn vì những yếu tố đó ảnh hưởng đến tâm lý.
“Do đó, khoảng 2-3 tháng tới, thị trường bất động sản sẽ có sự điều chỉnh, sẽ đứng lại”, ông Quang nhận định.
Theo vị chuyên gia này, với những doanh nghiệp bất động sản lớn vay tiền cũng không được, phát hành trái phiếu cũng không xong, Nhà nước đang siết chặt, đồng thời tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp khác thì các doanh nghiệp lớn sẽ buộc phải đưa chiến lược nhẹ nhàng hơn, không đưa những sản phẩm giá cao, mà sẽ đưa những sản phẩm phù hợp với thị trường.
Khi đó, mức giá nhà trên thị trường sẽ xuống; hơn nữa người mua cũng trong tâm lý dè chừng thì giá bất động sản cũng sẽ đứng lại và đi xuống từ từ, điều chỉnh ổn định lại.
Ông Quang cho rằng, việc lãnh đạo hai doanh nghiệp bất động lớn trên thị trường vừa bị bắt sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường, mà chỉ bị ảnh hưởng về mặt đầu tư.
“Với những sự việc vừa xảy ra, việc đầu tư vào bất động sản cũng là kênh tương đối rủi ro và đang bị giám sát chặt chẽ do đó tâm lý nhà đầu tư sẽ hạn chế đổ tiền vào bất động sản so với trước đây”, ông Quang nói.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm của đô thị hóa, nở rộ các mô hình, hình thức đầu tư, xây dựng. Vì thế, trong quá trình đó cũng ‘gợn’ lên những ‘sạn’ trong thị trường.
“Với tốc độ phát triển quá nhanh, quá mạnh, quá lớn của thị trường bất động sản Việt Nam thì việc phát hành trái phiếu, thị trường có những chao đảo là đương nhiên. Tuy nhiên, cơ chế chính sách nhiều khi chưa đuổi kịp thực tiễn nên dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như vừa qua như đấu giá, bán chui cổ phiếu...
Trong khi thị trường phát triển nhanh quá, 90% doanh nghiệp làm bất động sản đều phải huy động vốn bằng nhiều hình thức. Vì thế, về mặt vĩ mô cần điều chỉnh, dần hoàn chỉnh cơ chế chính sách để làm sao không có lỗ hổng”, ông Điệp nói.
Đánh giá thêm về sự tác động, ông Điệp cho hay, sự việc vừa xảy ra với hai ‘đại gia’ bất động sản sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung.
“Đây vừa là điều đáng tiếc, nhưng cũng vừa là bài học cho tất cả các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm đưa ra giải pháp tốt nhất, hợp lý nhất khi huy động vốn. Tất cả các doanh nghiệp phải có chiến lược khác, để không theo ‘vết xe đổ’ của những ‘đại gia’ đã vấp ngã”, ông Điệp nói thêm.
Minh Thư
Siết cho vay bất động sản, người vay mua nhà có bị áp lực?
Việc siết tín dụng vào bất động sản, theo chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong thời gian tới. Còn với người mua nhà để ở, sẽ chịu áp lực về lãi suất có thể sẽ tăng thêm...