Đặc sản cam Vinh đầu vụ giá tăng cao
Cam Vinh tập trung nhiều ở các huyện: Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương.... Từ cuối tháng 10, cam Vinh bắt đầu chín mọng, đây cũng là thời điểm thu hoạch của cam Vinh và kéo dài đến tận dịp Tết Nguyên đán.
Hiện nay, nhiều vườn cam Vinh được trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP đã bắt đầu mở bán cho khách và thương lái với giá bán tại vườn từ 50.000 – 55.000 đồng/kg.
Theo các chủ vườn cam, năm 2021, giá cam Vinh đầu vụ xuất bán tại vườn có giá từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg. Như vậy, giá cam năm nay cao hơn năm ngoái từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Nói về lý do khiến giá cam năm nay cao hơn năm ngoái, nhiều chủ vườn cam cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất và sản lượng cam bị ảnh hưởng.
Vào thời điểm đầu năm, trời mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả ở cây cam đạt thấp. Đến thời điểm cam bắt đầu mọng nước thì lại gặp mưa bão kéo dài nên quả rụng khá nhiều.
Chính vì vậy, so với năm ngoái, năng suất cam Vinh năm nay giảm hơn, trong khi chi phí cho cây cam cao hơn, do đó, giá cam cao hơn năm ngoái cũng là điều bình thường.
Theo thống kê, vụ cam 2022 toàn tỉnh Nghệ An có 3.000ha cam kinh doanh.
Cam Vinh là chỉ dẫn địa lý chung của những quả cam được trồng tại nhiều địa phương khác nhau ở Nghệ An, từ Xã Đoài (Nghi Lộc), đến Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.
Cam Vinh – cam Xã Đoài là đặc sản từng được đem đi tiến Vua, là đặc sản hiếm của mảnh đất xứ Nghệ. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, cam Vinh được trồng chủ yếu ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ, với sản phẩm nổi tiếng lúc đó là cam Sông Con. Cam được trồng tại các nông trường Sông Con, An Ngãi, Vực Rồng (Tân Kỳ); Cờ Đỏ; Tây Hiếu, Đông Hiếu (Nghĩa Đàn); Bãi Phủ (Anh Sơn), là nguồn cung lớn nhất để ngoài tiêu thụ trong nước, còn được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu thuộc khối XHCN với khối lượng lên đến hàng ngàn tấn. Năm 2007, cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với quy mô 12 xã thuộc 5 huyện. Đến năm 2019, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được mở rộng lên 73 xã thuộc 11 huyện, thị xã của tỉnh Nghệ An. Vùng trồng cam đã mở rộng sang nhiều huyện như: Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành, Thanh Chương,… hình thành một số vùng sản xuất cam hàng hóa ở Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp… |
PV